Đánh đập, hành hạ vật nuôi (chó, mèo,...) là hành vi vi phạm pháp luật (Hình từ Internet)
Theo khoản 5 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 quy định vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi.
Cụ thể, gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi được quy định tại khoản 6, 7 và 8 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018:
- Gia súc là các loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi. (Chẳng hạn như chó, mèo, heo,...)
- Gia cầm là các loài động vật có 02 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi. (Chẳng hạn như gà, vịt,..)
- Động vật khác trong chăn nuôi là động vật ngoài gia súc, gia cầm và ngoài Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật rừng thông thường, động vật thủy sản, danh mục động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Theo Điều 69 Luật Chăn nuôi 2018 quy định tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
- Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi;
- Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh;
- Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y;
- Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Như vậy, tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi không được đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Bên cạnh đó, tại Điều 70 Luật Chăn nuôi 2018 quy định tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Theo khoản 1 Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.
Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 14/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, tức từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Như vậy, cá nhân có hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi có thể bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì có thể bị xử phạt hành chính với số tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
>> Lưu ý: Mức phạt hành chính trên áp dụng với cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động chăn nuôi mà có hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn với vật nuôi của mình. Trường hợp có hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn với vật nuôi của người khác thì tùy vào tính chất, mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo kết luận của cơ quan chức năng.
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân chăn nuôi theo Điều 57 Luật Chăn nuôi 2018 quy định như sau:
* Tổ chức, cá nhân chăn nuôi có quyền sau đây:
- Tổ chức, cá nhân đã thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 Luật Chăn nuôi 2018 được hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất khi bị thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật;
- Được hưởng chính sách của Nhà nước có liên quan đến hoạt động chăn nuôi;
- Được tập huấn, đào tạo về chăn nuôi;
- Quảng bá sản phẩm theo quy định của pháp luật;
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
* Tổ chức, cá nhân chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 Luật Chăn nuôi 2018;
- Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi;
- Xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Bảo đảm đối xử nhân đạo với vật nuôi theo quy định của pháp luật.