Nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông sẽ bị thay thế (Hình từ Internet)
Ngày 27/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 717/QĐ-TTg về Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản hướng dẫn các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 7, trong đó có liệt kê các văn bản hướng dẫn Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 dự kiến sẽ ban hành trước ngày 15/10/2024.
Cụ thể, trong danh sách các văn bản hướng dẫn Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 được nêu trong Phụ lục ban hành kèm Quyết định 717/QĐ-TTg, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công anh chủ trì và phối hợp với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tiến hành xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nhằm hướng dẫn nội dung quy định liên quan theo quy định mới của Luật.
Khi đó, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang áp dụng hiện hành là Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) sẽ bị thay thế.
Dự kiến thời hạn trình/ban hành sẽ là trước ngày 15/10/2024.
Được biết Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021).
Hiện tại, Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.
Dự thảo Nghị định này quy định về:
- Xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ gồm: Hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
- Quy định về hành vi vi phạm hành chính bị áp dụng biện pháp trừ điểm Giấy phép lái xe; mức điểm trừ đối với từng hành vi vi phạm hành chính; trình tự, thủ tục, thẩm quyền trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.
Dự kiến Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, trừ quy định tại điểm r khoản 3 Điều 7 Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026.
Đồng thời thay thế một số điều khoản về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP để phù hợp với tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại.
Xem thêm tại: Sẽ ban hành Nghị định mới về xử phạt giao thông đường bộ (thay thế nhiều nội dung Nghị định 100)
Được biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt mà không quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì áp dụng quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đó để xử phạt.
Các đối tượng áp dụng của Nghị định 100/2019/NĐ-CP gồm:
(1) Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(2) Tổ chức quy định tại (1) gồm:
- Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
- Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân;
- Đơn vị sự nghiệp;
- Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
- Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện);
- Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Tổ hợp tác;
- Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.
(3) Hộ kinh doanh, hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
(4) Người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Xem thêm nội dung khác tại Quyết định 717/QĐ-TTg có hiệu lực 27/7/2024.