Hướng dẫn bảo đảm về chăm sóc sức khỏe trẻ em của Nhà nước (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 43 Luật trẻ em 2016 thì việc bảo đảm về chăm sóc sức khỏe trẻ em của Nhà nước như sau:
- Nhà nước có chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ để hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được chăm sóc sức khỏe, ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Nhà nước bảo đảm thực hiện các biện pháp theo dõi sức khỏe định kỳ cho phụ nữ mang thai và trẻ em theo độ tuổi; chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe ban đầu và tiêm chủng cho trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; tư vấn và hỗ trợ trẻ em trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với độ tuổi theo quy định của pháp luật.
- Ưu tiên tư vấn, bảo vệ, chăm sóc về sức khỏe, dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con dưới 36 tháng tuổi và trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng tuổi, trẻ em bị xâm hại phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
- Nhà nước có chính sách, biện pháp tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, đặc biệt là tử vong trẻ sơ sinh; xóa bỏ phong tục, tập quán có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em.
- Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế phù hợp với độ tuổi, nhóm đối tượng và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
- Nhà nước có chính sách, biện pháp để trẻ em được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh và điều kiện vệ sinh cơ bản, bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
- Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân ủng hộ, đầu tư nguồn lực để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Việc bảo đảm về giáo dục cho trẻ em của Nhà nước được quy định cụ thể tại Điều 44 Luật trẻ em 2016 như sau:
- Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học; có chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận giáo dục phổ cập, giáo dục hòa nhập, được học nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với độ tuổi và pháp luật về lao động.
- Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục, bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em; giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật; có chính sách miễn, giảm học phí cho từng nhóm đối tượng trẻ em phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
- Chương trình, nội dung giáo dục phải phù hợp với từng độ tuổi, từng nhóm đối tượng trẻ em, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện và yêu cầu hội nhập; chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và phát triển nhân cách, kỹ năng sống, tài năng, năng khiếu của trẻ em; giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ em.
- Nhà nước quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
- Nhà nước có chính sách phù hợp để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và chính sách hỗ trợ để trẻ em trong độ tuổi được giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ; khuyến khích, thu hút các nguồn đầu tư khác để phát triển giáo dục, đào tạo.