Quy trình miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng mới nhất (Hình từ Internet)
Cụ thể, Quốc hội có quyền phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội phê chuẩn quy định tại Điều 9 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020) theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội phê chuẩn chức vụ đó.
Trong đó, các chức danh trong bộ máy nhà nước được Quốc hội phê chuẩn bao gồm:
- Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ theo danh sách đề cử chức vụ từng người.
- Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh theo đề nghị của Chủ tịch nước.
- Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Như vậy, Quốc hội có quyền phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội phê chuẩn chức vụ đó.
Cụ thể, Thủ tướng là người có quyền trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm Bộ trưởng
(Điều 9 và Điều 11 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, sửa đổi 2020; Khoản 3 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ 2015)
Theo quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quốc hội thực hiện việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng theo trình tự như sau:
- Cơ quan, người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm người giữ chức vụ trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm;
- Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan;
- Đại diện cơ quan hoặc người có thẩm quyền báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Đoàn đại biểu Quốc hội;
- Quốc hội thảo luận. Trước khi Quốc hội thảo luận, người được đề nghị miễn nhiệm có quyền phát biểu ý kiến;
- Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu;
- Quốc hội phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín;
- Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, kết quả biểu quyết;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về việc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm;
- Quốc hội thảo luận;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết;
- Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.
(Khoản 1 Điều 43 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15)
Căn cứ Mục 2.15 Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 quy định về tiêu chuẩn trở thành Bộ trưởng như sau:
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực:
- Có trình độ cao và am hiểu sâu sắc về quản lý nhà nước, nắm chắc pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế.
- Có năng lực cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để hoạch định phương hướng, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực được phân công và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
- Có năng lực phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và giữa Trung ương với địa phương, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách chung của Đảng, Nhà nước.
- Có kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành và quyết đoán, quyết liệt, kịp thời quyết định những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.
- Không bị chi phối bởi lợi ích nhóm.
- Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp thứ trưởng hoặc phó trưởng ban, ngành, đoàn thể Trung ương hoặc lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh.