Khu vực công sẽ không còn sức hút khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực

21/04/2014 10:53 AM

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng (dự kiến trình Quốc hội và có hiệu lực từ đầu năm 2015), cách tính lương hưu của cán bộ, viên chức, công chức tham gia BHXH sẽ được thay đổi để giảm áp lực chi trả cho Quỹ BHXH. Dự thảo này đã và đang gây ra những tranh cãi khá gay gắt trong thời gian vừa qua.


Bà Hồ Thị Kim Ngân (ảnh), Phó trưởng Phòng Pháp luật-Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã trả lời báo chí xung quanh vấn đề này.

Thưa bà, cách tính lương hưu mới có những điểm khác biệt gì so với cách tính lương hưu đang được áp dụng hiện nay?

Hiện lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức được hưởng theo cách tính là bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Đối với khu vực tư nhân, người lao động được hưởng lương hưu tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian làm việc. Với cách tính này, rõ ràng người làm trong khu vực DN tư nhân nhận lương hưu thiệt thòi hơn nhiều so với khu vực Nhà nước. Điều này sẽ thay đổi khi Luật BHXH (sửa đổi) được áp dụng tới đây.

Cụ thể, theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi),  từ 1-1-2015, lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức tham gia BHXH thay vì tính bình quân 10 năm trước khi nghỉ hưu sẽ phải tính theo nguyên tắc bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH như đối với người lao động khu vực ngoài Nhà nước. Cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu cũng được sửa đổi theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với 45% từ 15 lên 20 năm, tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Việc áp dụng cách tính lương hưu mới này sẽ được thực hiện với những người lao động bắt đầu tham gia BHXH kể từ năm 2015.

Bà có bình luận gì về cách tính lương hưu mới này?

Tôi cho rằng cách tính lương hưu mới này sẽ làm thiệt hơn cho khối cán bộ, công chức tham gia BHXH sau năm 2015 so với công thức tính hiện hành. Hiện những lao động thuộc khu vực DN tư nhân, DN ngoài Nhà nước mua BHXH tự nguyện thì cách tính lương hưu đã dựa trên cơ sở bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH. Tuy nhiên, với Luật BHXH (sửa đổi), tiền lương hưu của nhóm cán bộ, công chức, viên chức sẽ tính giống như những lao động “ngoài Nhà nước”. Điều này nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng tham gia BHXH, cũng như đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, từng bước cân đối quỹ hưu trí, loại bỏ tình trạng đóng ít, hưởng nhiều gây mất cân đối thu - chi của Quỹ BHXH như hiện nay.

Theo cách tính mới, bình quân tiền lương toàn bộ thời gian đóng BHXH sẽ thấp hơn bình quân tiền lương của 10 năm cuối, vì chúng ta đang áp dụng nguyên tắc tăng lương theo thâm niên. Tuy nhiên, phần trăm lương bình quân có thể giảm đi, nhưng trên nền lương cao hơn, vì từ nay đến năm 2035, đương nhiên lương cơ bản sẽ tăng lên nhiều so với hiện nay.

Tất nhiên, vẫn không tránh khỏi một chút thiệt thòi cho những người tham gia BHXH từ tháng 1-2015, đặc biệt là những lao động làm việc trong khu vực Nhà nước bởi mức lương tối thiểu của khu vực Nhà nước luôn thấp hơn mức lương tối thiểu của khu vực DN ngoài Nhà nước. Hiện lương tối thiểu chung áp dụng cho khu vực Nhà nước đang tăng với mức 10%-15% mỗi năm như hiện nay, người lao động khu vực Nhà nước sẽ được hưởng lương hưu ở mức tạm chấp nhận được. Nhưng tới đây, nếu thực hiện việc thay đổi cách tính lương hưu theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) thì lương hưu vốn ít ỏi của công chức, viên chức có nguy cơ hao hụt đi. Thế nhưng, giải quyết những thiếu sót từ cái nền của chính sách cũ về BHXH là vấn đề phức tạp. Vì vậy, để hạn chế tối đa ảnh hưởng khi sửa đổi, Ban soạn thảo chỉ kiến nghị sửa đổi cách tính đối với những người tham gia mới, sau thời gian dự kiến Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (từ ngày 1-1-2015). Như vậy, toàn bộ những đối tượng đã tham gia BHXH trước đó không hề bị ảnh hưởng.

Với cách tính mới này thì liệu có làm mất sức hút đối với người lao động tại những DN Nhà nước không thưa bà?

Từ xưa đến nay, các vị trí công việc trong khu vực công vốn thu hút người lao động vì có những chính sách ưu tiên hơn khu vực tư. Dù lương thấp nhưng ổn định, có thể duy trì được kinh tế gia đình sau khi về hưu. Nếu triển khai cách tính lương hưu mới, khu vực công sẽ không còn sức hút đối với người lao động. Nhiều người hiện đang làm trong khu vực Nhà nước sẽ cảm thấy thua thiệt vì lương hưu thấp đi và không hài lòng về những năm tháng mình cống hiến. Những người mới, đặc biệt là những người giỏi sẽ không sẵn lòng làm việc trong khu vực công.

Liệu cách tính mới này có làm giảm quyền lợi của người nghỉ hưu và tạo ra sự bất bình đẳng giữa người nghỉ hưu trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực không thưa bà?

Sự bất bình đẳng giữa người nghỉ hưu trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để cân đối thu - chi của quỹ BHXH, còn có nhiều giải pháp mà chúng ta đang tiến tới thực hiện, chứ không phải chỉ có một cách thay đổi cách tính lương hưu, như việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, tăng dần tuổi lao động.

Để đảm bảo quyền lợi công bằng cho lao động thuộc tất cả các loại hình DN Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra giải pháp là chỉ thay đổi cách tính lương hưu khi mức đóng BHXH được tính trên tiền lương thực lĩnh (bao gồm cả phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác), thay vì chỉ tính trên lương ghi trong hợp đồng lao động như hiện nay. Tức là ngoài mức đóng BHXH 22% của tiền lương ghi trên hợp đồng thì đóng thêm % thấp hơn của các loại phụ cấp ngoài lương.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang tính toán lộ trình cho việc này, nhưng chưa thể làm ngay được. Bởi mở rộng mức đóng BHXH trên cả phụ cấp ngoài lương sẽ khiến DN mất thêm khá nhiều chi phí, đặc biệt là khi lương tối thiểu cũng đang trong lộ trình tăng liên tục.

Xin cảm ơn bà!

Xuân Thảo (ghi)

Theo Báo Hải quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,571

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]