Trước phiên chất vấn thì giá xăng dầu lại giảm

02/04/2014 14:49 PM

Kể từ 0 giờ hôm qua (1-4) giá dầu và gas đã giảm trong khi giữ nguyên giá xăng theo chỉ đạo của Bộ Tài chính; mức giảm tuy không nhiều từ 130 đến 240 đồng/lít dầu nhưng nó cũng khiến nhiều người dân cảm thấy vui mừng. Bởi chí ít thì nó đã chịu "hạ nhiệt” sau những lần tăng giá liên tục. Nhưng, cũng hôm qua đã có ý kiến băn khoăn về "kịch bản” giảm giá của giá xăng dầu nói chung và của riêng lần giảm giá này.


Giá xăng dầu là vấn đề hết sức bức xúc. Ảnh: Hoàng Long

Kể cũng lạ, xăng dầu giảm giá thì mừng cho nền kinh tế, mừng cho túi tiền của dân còn chẳng… hết; ai lại rảnh đến mức băn khoăn! 

Hóa ra, ý kiến dềnh dang về "kịch bản’ giảm giá xăng dầu lại đến từ một đại biểu của dân - người ít có thời gian rảnh rỗi - ĐBQH Lê Nam, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Một sự quan sát hay để ý khá tinh tường. Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, ông Lê Nam đặt vấn đề: Đây đã là lần thứ 4 liên tiếp, 3 lần tại QH, 1 lần tại phiên họp TVQH, cứ trước phiên chất vấn thì giá xăng dầu lại quay đầu giảm. Câu hỏi "hóc” ấy, Bộ trưởng Bộ Công thương quả rất khó trả lời; mà biết trả lời sao trong tình huống "tình ngay lý gian” này!? 

Lâu nay, khi nghe giải thích cho việc tăng giá xăng, người dân thường nhận được câu trả lời: Việc điều hành vừa phải bám sát giá thế giới và vừa phải tuân theo sự quản lý của Nhà nước. Một lời giải thích chuẩn không cần chỉnh. Nhưng từ câu chuyện về giá xăng dầu có thể thấy, bức xúc của nhân dân và của ĐBQH là có thật trong bối cảnh điều hành, quản lý mặt hàng này vẫn đang bộc lộ những yếu kém nhất định. Thậm chí, người ta cộng dồn cả những lần tăng giá để trừ cho những lần giảm giá. 

Thưa rằng, cũng chẳng phải Bộ Công thương không muốn làm cho "ra ngô ra khoai” vấn đề bất cập trong điều hành giá xăng dầu hiện nay. Bằng chứng là tại kỳ họp cuối năm ngoái - cụ thể là tháng 11-2013 - Bộ này đã thông báo: Sẽ khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu thống nhất nội dung bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 84, với mục tiêu cao nhất là khắc phục bất cập trong điều hành giá xăng dầu, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành. Chỉ mỗi tội, một nửa năm nữa sắp trôi qua mà Nghị định vẫn đang nằm trên giấy. Đó là nếu tính từ khi Nghị định đã được sửa 1 lần; còn, nếu tính từ dự thảo ban đầu thì đã gần 1 năm trôi qua. Vậy mà, nó vẫn kiên nhẫn "tạm trú” trong ngăn kéo của nhà quản lý chứ chưa chịu… ra đời cho bà con được nhờ. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao chậm? Trách nhiệm này thuộc về ai? Giải pháp khắc phục và trách nhiệm của Bộ trưởng?”- ĐB Trương Văn Vở - Phó đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai chất vấn.

Cũng hôm qua, nhiều người mới tỏ chuyện cái văn bản quan trọng trong quản lý giá này đang ách tắc vì lần dự thảo ban đầu không đạt yêu cầu đề ra mà phải thay Nghị định 84 bằng một nghị định hoàn toàn mới để xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Và, kể cả trong lần lấy ý kiến thứ hai vào tháng 11 năm ngoái, vẫn còn 2 ý kiến của thành viên Chính phủ tỏ ý phân vân về quỹ bình ổn giá và thời gian điều chỉnh. Điều ấy cũng là bình thường.

Cái bất bình thường ở đây là đã gần nửa năm kể từ sau khi nhận được ý kiến phản hồi và mặc dù biết rằng giá xăng dầu là vấn đề hết sức bức xúc nhưng Bộ Công thương vẫn chưa giải trình xong 2 ý kiến phân vân kể trên. Lẽ đương nhiên, thế là Dự thảo nghị định sẽ vẫn còn phải "xếp hàng” chờ ra đời; mà có ra đời được rồi cũng phải chờ thông tư hướng dẫn nữa chứ. Thế nên, trong những lúc chờ đợi như thế này, mong sao mỗi tháng lại có một phiên chất vấn cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở QH hay TVQH để giá xăng dầu có cơ hội quay đầu giảm; nhất là trong điều kiện giá thế giới giảm. Như thế thì hạnh phúc biết mấy cho người dân với túi tiền có hạn.

Hoàng Mai

Theo Báo Đại Đoàn Kết

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,409

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]