Chính sách học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập đối với người khuyết tật

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
06/09/2024 23:30 PM

Bài viết sau có nội dung về chính sách học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập đối với người khuyết tật quy định trong Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC.

Chính sách học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập đối với người khuyết tật

Chính sách học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập đối với người khuyết tật (Hình từ Internet)

1. Quy định về chính sách học phí đối với người khuyết tật

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC thì chính sách về học phí đối với người khuyết tật như sau:

Người khuyết tật học tại các cơ sở giáo dục được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 và Nghị định 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 49/2010/NĐ-CP.

2. Chính sách học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập đối với người khuyết tật

Chính sách học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập đối với người khuyết tật được quy định cụ thể tại Điều 7 Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC như sau:

- Người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ.

Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp được cấp học bổng 10 tháng/năm học; người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được cấp học bổng 9 tháng/năm học.

Không áp dụng chế độ này đối với các đối tượng người khuyết tật đã được hưởng học bổng chế độ chính sách theo quy định tại Quyết định 152/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Người khuyết tật thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo đang học tại các cơ sở giáo dục được hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập với mức 1.000.000 đồng/người/năm học.

Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập mà cùng một lúc được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập khác nhau thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.

- Các cơ sở giáo dục công lập có người khuyết tật đang theo học được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để mua sách, tài liệu học tập, đồ dùng học tập đặc thù dùng chung, đảm bảo ở mức tối thiểu.

Hàng năm, vào thời điểm lập dự toán ngân sách của năm kế hoạch, cơ sở giáo dục căn cứ vào số người khuyết tật đang học, các dạng tật để lập phương án mua sắm (tài liệu học tập, đồ dùng học tập đặc thù dùng chung) và dự toán kinh phí chi tiết gửi cơ quan chủ quản phê duyệt để tổng hợp gửi cơ quan tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Trên cơ sở dự toán kinh phí được phê duyệt và căn cứ vào đặc điểm thực tế của cơ sở giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện mua sắm theo quy định.

3. Hướng dẫn xét lên lớp và cấp bằng tốt nghiệp cho người khuyết tật

Việc xét lên lớp và cấp bằng tốt nghiệp cho người khuyết tật được quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC như sau:

- Đối với giáo dục phổ thông

Người đứng đầu cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục theo phân cấp căn cứ kết quả học tập các môn học, hoạt động giáo dục của người khuyết tật để xét lên lớp hoặc xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông đối với người khuyết tật học theo chương trình giáo dục chung hoặc căn cứ vào kết quả thực hiện Kế hoạch giáo dục cá nhân đối với người khuyết tật không đáp ứng được chương trình giáo dục chung để xét lên lớp hoặc xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

- Đối với giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp

Người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp, căn cứ vào kết quả học tập, hoạt động giáo dục của người khuyết tật đáp ứng được các yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo để xét và cấp bằng tốt nghiệp.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 853

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]