Hướng dẫn xác định số thuế TNCN được giảm do bão Yagi gây ra (Hình từ internet)
Theo quy định tại Điều 5 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, người nộp thuế thu nhập cá nhân gặp khó khăn do thiên tai ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu người nộp thuế TNCN gặp khó khăn do bão Yagi làm ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế.
Theo đó, việc xác định số thuế TNCN được giảm do bão Yagi gây ra như sau:
- Việc xét giảm thuế được thực hiện theo năm tính thuế. Người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo trong năm tính thuế nào thì được xét giảm số thuế phải nộp của năm tính thuế đó.
- Số thuế phải nộp làm căn cứ xét giảm thuế là tổng số thuế thu nhập cá nhân mà người nộp thuế phải nộp trong năm tính thuế, bao gồm:
+ Thuế thu nhập cá nhân đã nộp hoặc đã khấu trừ đối với thu nhập từ đầu tư vốn, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ trúng thưởng, thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ nhượng quyền thương mại, thu nhập từ thừa kế; thu nhập từ quà tặng.
+ Thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công.
- Căn cứ để xác định mức độ thiệt hại được giảm thuế là tổng chi phí thực tế để khắc phục thiệt hại trừ (-) đi các khoản bồi thường nhận được từ tổ chức bảo hiểm (nếu có) hoặc từ tổ chức, cá nhân gây ra tai nạn (nếu có).
- Số thuế giảm được xác định như sau:
+ Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế lớn hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm bằng mức độ thiệt hại.
+ Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế nhỏ hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm bằng số thuế phải nộp.
(Điều 4 Thông tư 111/2013/TT-BTC)
Hồ sơ giảm thuế TNCN đối với người nộp thuế gặp khó khăn do bão Yagi bao gồm:
- Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01/MGTH ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC;
Mẫu số 01/MGTH |
- Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền và có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn theo Mẫu số 02/MGTH ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC.
Mẫu số 02/MGTH |
Cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ, giá trị thiệt hại là cơ quan tài chính hoặc các cơ quan giám định xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản;
- Trường hợp thiệt hại về hàng hoá thì người nộp thuế cung cấp Biên bản giám định (chứng thư giám định) về mức độ thiệt hại của cơ quan giám định và cơ quan giám định phải chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác của chứng thư giám định theo quy định của pháp luật;
- Trường hợp thiệt hại về đất đai, hoa màu thì cơ quan tài chính có trách nhiệm xác định;
- Giấy tờ xác định việc bồi thường của cơ quan bảo hiểm hoặc thỏa thuận bồi thường của người gây hỏa hoạn (nếu có);
- Các chứng từ chi liên quan trực tiếp đến việc khắc phục thiên tai, hỏa hoạn;
- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân theo Mẫu số 02/QTT-TNCN ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư 80/2021/TT-BTC (nếu người nộp thuế đề nghị giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công).
Mẫu số 02/QTT-TNCN |
( Khoản 1 Điều 54 Thông tư 80/2021/TT-BTC)