Các trường hợp được phép điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
17/09/2024 21:15 PM

Bài viết sau có nội dung về các trường hợp được phép điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng được quy định trong Nghị định 37/2015/NĐ-CP.

Các trường hợp được phép điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng

Các trường hợp được phép điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng (Hình từ Internet)

1. Các trường hợp được phép điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng

Theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì tiến độ thực hiện hợp đồng được điều chỉnh trong các trường hợp sau:

- Do ảnh hưởng của động đất, bão, lũ, lụt, sóng thần, hỏa hoạn, địch họa hoặc các sự kiện bất khả kháng khác.

- Thay đổi, điều chỉnh dự án, phạm vi công việc, thiết kế, biện pháp thi công theo yêu cầu của bên giao thầu làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng.

- Do việc bàn giao mặt bằng không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng, tạm dừng hợp đồng do lỗi của bên giao thầu, các thủ tục liên quan ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng mà không do lỗi của bên nhận thầu gây ra.

- Tạm dừng thực hiện công việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không do lỗi của bên giao thầu gây ra.

Lưu ý: Khi điều chỉnh tiến độ hợp đồng không làm kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng (bao gồm cả thời gian được kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng theo quy định của hợp đồng xây dựng) thì chủ đầu tư và nhà thầu thỏa thuận, thống nhất việc điều chỉnh. Trường hợp điều chỉnh tiến độ làm kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng thì chủ đầu tư phải báo cáo Người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định. ( Theo khoản 3 Điều 39 Nghị định 37/2015/NĐ-CP)

2. Các nguyên tắc được áp dụng trong việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng

Các nguyên tắc được áp dụng trong việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng được quy định cụ thể tại Điều 36 Nghị định 37/2015/NĐ-CP (sửa đổi Khoản 12 Điều 1 Nghị định 50/2021/NĐ-CP) bao gồm:

- Việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng chỉ được áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng bao gồm cả thời gian được gia hạn thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật.

- Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá hợp đồng chỉ được điều chỉnh trong các trường hợp quy định tại điểm b, c, d khoản 2 Điều 143 Luật Xây dựng 2014.

- Đối với hợp đồng trọn gói, chỉ được điều chỉnh hợp đồng cho những khối lượng công việc bổ sung ngoài phạm vi công việc theo hợp đồng đã ký (đối với hợp đồng thi công xây dựng, hợp đồng cung cấp thiết bị là nằm ngoài phạm vi công việc phải thực hiện theo thiết kế, yêu cầu của hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu; đối với hợp đồng tư vấn là nằm ngoài nhiệm vụ tư vấn phải thực hiện) và các trường hợp quy định tại điểm b, c, d khoản 2 Điều 143 Luật Xây dựng 2014.

- Giá hợp đồng sau điều chỉnh không làm vượt giá gói thầu hoặc dự toán gói thầu được phê duyệt (bao gồm cả chi phí dự phòng cho gói thầu đó) thì chủ đầu tư được quyền quyết định điều chỉnh; trường hợp vượt giá gói thầu hoặc dự toán gói thầu được phê duyệt thì phải được chấp thuận chủ trương điều chỉnh giá hợp đồng của người có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc Bộ trưởng bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi được giao đối với các dự án đầu tư do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư trước khi thực hiện điều chỉnh và phải đảm bảo đủ vốn để thanh toán cho bên nhận thầu theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.

Việc điều chỉnh dự toán xây dựng, dự toán gói thầu, giá gói thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và pháp luật về đấu thầu.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 176

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]