Theo dõi vụ án Nguyễn Đức Kiên, nhất là phần tranh luận tại các phiên xử cũng như tranh luận trên báo chí, truyền thông tôi thấy cần phải làm rõ bị cáo Kiên có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không, nếu có thì các căn cứ kết tội thuyết phục tới đâu?
Theo cáo trạng thì tháng 5/2012, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo
CTCP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) chuyển nhượng số cổ phần trên cho Công ty TNHH
MTV Thép Hòa Phát với giá trị 264 tỷ đồng dù cho số cổ phần này đang được thế
chấp tại ngân hàng ACB.
Khi Nguyễn Đức Kiên bị bắt, phía Hòa Phát đã chuyển đủ cho ACBI 264 tỷ đồng
nhưng công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát chưa nhận được 20 triệu cổ phần Thép Hòa
Phát như đã ký. Đây là cơ sở để truy tố Nguyễn Đức Kiên về tội lừa đảo chiếm đoạt
tài sản. Đây cũng là tội danh nặng nhất mà Nguyễn Đức Kiên phải đối mặt và đang
gây tranh cãi về mặt pháp lý.
Trước hết, căn cứ các quy định của pháp luật, tại Khoản 1 Điều
139 BLHS quy định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản
của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc
dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành
chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được
xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc
phạt tù từ sáu tháng đến ba năm….”
Như vậy, đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi hay thủ đoạn gian dối
với nạn nhân của người phạm tội là một yếu tố cơ bản trong cấu thành tội phạm của
tội danh này. Cụ thể, phải có hành vi gian dối như cố tình đưa ra những thông
tin sai sự thật làm cho chủ tài sản tin nhầm mà trao tài sản để người phạm tội
chiếm đoạt tài sản đó.
Nguyễn Đức Kiên trong phiên xử chiều ngày 30.5 |
Trong vụ án này, nếu có có căn cứ chứng minh rằng Công ty Thép Hòa Phát đã biết về việc số cổ phần Thép Hòa Phát được chuyển nhượng đang được thế chấp tại Công ty CP Chứng khoán ACB (ABCS) thì hiển nhiên không có yếu tố gian dối ở đây.
Thông tin qua báo chí cho biết ông Mai Văn Hà, Phó Tổng giám đốc đại diện cho Công ty Thép Hòa Phát đã ký vào giấy đề nghị phong tỏa 20 triệu cổ phần bị thế chấp cùng với Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI). Nếu thông tin này là sự thật, có thể nói rằng Thép Hòa Phát đã biết và do vậy không bị “lừa” và tự nguyện trao tài sản là 264 tỷ tiền chuyển nhượng cổ phần cho ABCI.
Lục lại các thông tin Hoà Phát công bố, báo chí cũng đã đưa
ra chứng cứ cho thấy: từ ngày 30/9/2013, Hòa Phát đã nhận chuyển nhượng thêm
11,99% vốn cổ phần và quyền kiểm soát tương ứng của CTCP Thép Hòa Phát. Theo
đó, lợi ích vốn cổ phần và quyền kiểm soát của Hòa Phát tại Thép Hòa Phát tăng
lên từ 88% thành 99,99%.
Trước khi thực hiện giao dịch này, Hòa Phát đã góp thêm 500 tỷ vốn điều lệ cho
Thép Hòa Phát, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 85% lên 88%. Tỷ lệ sở hữu của CTCP Đầu
tư ACB Hà Nội (ACBI) giảm tương ứng từ 14,99% xuống 11,99%.
Như vậy có thể thấy khi Hòa Phát nâng tỷ lệ sở hữu tại Thép Hòa Phát lên 99,99%
thì ACBI đã không còn nắm giữ cổ phần tại Thép Hòa Phát nữa. Việc này có thể đến
từ 2 khả năng: ACBI bán cho Hòa Phát sau khi ngân hàng giải tỏa thế chấp và/hoặc
ngân hàng bán giải chấp số cổ phiếu trên trong trường hợp ACBI không đủ nguồn
trả nợ.
Với những dữ liệu trên, nếu chứng minh được sự ngay thẳng, minh bạch trong giao
dịch giữa hai bên như vậy thì sẽ khó có cơ sở để buộc hành vi của Nguyễn Đức
Kiên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS.
Hơn nữa, đối tượng bị lừa đảo trong vụ án này là Thép Hòa Phát cũng đã thừa nhận
sai sót trong việc tiếp cận, trao đổi thông tin nội bộ của doanh nghiệp; số cổ
phần chuyển nhượng tuy bị thế chấp tại ABCS nhưng vẫn thuộc sở hữu của ABCI; số
tiền chuyển nhượng cổ phần trả cho ABCI trước đó đã được thu hồi.
Tại phiên xử chiều ngày 30/5 vừa qua, ông Trần Đình Long cũng khẳng định:“Làm sao tôi nghĩ Kiên lừa tôi được” và ông Long thừa nhận có sơ suất của cấp dưới ký xác nhận mà không báo lên cấp trên.
Cty Thép Hòa Phát khẳng định không hề có đơn tố cáo Kiên và không đòi bồi thường.Tính đến tháng 7/2013, cơ quan điều tra đã thu giữ được toàn bộ 264 tỷ đồng từ các nguồn mà ACBI đã chi trả trước đó để trả lại cho phía Hòa Phát.
Nếu hồ sơ vụ án cũng phản ánh đúng sự việc như vậy thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần xem xét, đánh giá lại căn cứ buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Đức Kiên theo đúng nguyên tắc khách quan, toàn diện để tránh dẫn đến việc kết án oan sai, gây hậu quả khó có thể khắc phục được.
Theo Pháp luật VN