Người sử dụng dịch vụ hỏa táng được Nhà nước hỗ trợ gì?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
24/10/2024 11:30 AM

Bài viết trình bày quy định chung về quản lý, sử dụng cơ sở hỏa táng theo quy định pháp luật hiện hành. Theo đó là các chính sách hỗ trợ với người sử dụng dịch vụ hỏa táng.

Người sử dụng dịch vụ hỏa táng được Nhà nước hỗ trợ gì?

Người sử dụng dịch vụ hỏa táng được Nhà nước hỗ trợ gì? (Hình ảnh từ Internet)

1. Quy định chung về quản lý, sử dụng cơ sở hỏa táng 2024

Cụ thể, tại Điều 20 Nghị định 23/2016/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 3 Nghị định 98/2019/NĐ-CP) quy định về quản lý, sử dụng cơ sở hỏa táng như sau:

- Cơ sở hỏa táng phải được xây dựng phù hợp với quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch ngành có liên quan, quy hoạch chi tiết xây dựng cơ sở hỏa táng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đối với cơ sở hỏa táng được xây dựng ngoài nghĩa trang thì khoảng cách an toàn môi trường từ công trình hỏa táng tới khu dân cư, công trình công cộng phải đảm bảo tối thiểu 500 m.

- Công nghệ hỏa táng:

+ Cơ sở hỏa táng phải sử dụng công nghệ hỏa táng hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường về lò hỏa táng;

+ Công nghệ hỏa táng lần đầu được áp dụng tại Việt Nam phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định. Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định công nghệ hỏa táng lần đầu áp dụng ở Việt Nam.

- Chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động của cơ sở hỏa táng phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo môi trường theo quy định.

- Cơ sở hỏa táng khi đưa vào sử dụng phải có nội quy quản lý. Nội dung cơ bản của nội quy quản lý bao gồm:

+ Các quy định liên quan đến việc tiếp nhận đăng ký, tổ chức hỏa táng, các loại dịch vụ và giá dịch vụ hỏa táng;

+ Các quy định về thực hiện việc hỏa táng và hướng dẫn bàn giao tro cốt sau khi hỏa táng;

+ Các quy định về hoạt động thăm viếng, tưởng niệm nếu cơ sở hỏa táng có dịch vụ lưu tro cốt;

+ Các hành vi vi phạm và quy định xử phạt;

+ Trách nhiệm của đơn vị quản lý và người sử dụng dịch vụ hỏa táng.

- Chủ đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng được hưởng ưu đãi về: Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật; đất đai, giải phóng mặt bằng; huy động vốn đầu tư và thuế theo quy định pháp luật hiện hành.

2. Người sử dụng dịch vụ hỏa táng được Nhà nước hỗ trợ gì?

Theo đó, người sử dụng hỏa táng được hỗ trợ các chính sách như sau:

- Người sử dụng dịch vụ hỏa táng được hỗ trợ chi phí hỏa táng, chi phí vận chuyển và các chi phí khác (nếu có).

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương quy định về hỗ trợ chi phí hỏa táng, chi phí vận chuyển và các chi phí khác (nếu có) cho các đối tượng sử dụng dịch vụ hỏa táng.

3. Quy định về việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành cơ sở hỏa táng

Tại Điều 22 Nghị định 23/2016/NĐ-CP quy định về việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành cơ sở hỏa táng như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lựa chọn đơn vị quản lý vận hành đối với các cơ sở hỏa táng được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật hiện hành về cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích.

- Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước trực tiếp quản lý vận hành hoặc thuê quản lý cơ sở hỏa táng do mình đầu tư.

4. Trách nhiệm quản lý vận hành cơ sở hỏa táng

- Đơn vị quản lý vận hành cơ sở hỏa táng phải có các điều kiện về năng lực như sau:

+ Có cán bộ quản lý vận hành có trình độ kỹ sư (hoặc tương đương) thuộc một trong các ngành hóa, vật lý, sinh học, công nghệ môi trường, điện;

+ Có công nhân kỹ thuật ngành cơ điện bậc 03 trở lên để trực tiếp vận hành lò hỏa táng;

+ Người lao động phải có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm theo quy định;

+ Các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phải đảm bảo yêu cầu về môi trường và an toàn lao động.

- Xây dựng nội quy quản lý cơ sở hỏa táng và thực hiện dịch vụ hỏa táng theo đúng giá dịch vụ hỏa táng đã được niêm yết công khai tại cơ sở hỏa táng, bảo đảm chất lượng dịch vụ cung cấp.

- Xây dựng và thực hiện đúng quy trình quản lý vận hành lò hỏa táng, định kỳ kiểm tra, bảo trì các thiết bị liên quan đến việc hỏa táng đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, lò hỏa táng hoạt động tốt, an toàn.

- Lập sổ theo dõi và lưu trữ hồ sơ các ca hỏa táng; cung cấp thông tin cho tổ chức và cá nhân khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật. Khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ hỏa táng.

- Sau khi tổ chức hỏa táng, người quản lý cơ sở hỏa táng cần ghi rõ ngày giờ tổ chức hỏa táng vào giấy hỏa táng, ký tên, đóng dấu và trả lại cho người sử dụng dịch vụ hỏa táng.

- Ký hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn hoặc tự xử lý chất thải rắn phát sinh từ cơ sở hỏa táng tuân thủ theo các quy định của pháp luật về quản lý chất thải.

- Báo cáo về tình hình hoạt động của cơ sở hỏa táng hàng năm với cơ quan nhà nước quản lý nhà nước theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

(Theo Điều 23 Nghị định 23/2016/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 253

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]