Năm lý do để áp dụng quyền im lặng

20/10/2014 08:07 AM

Xung quanh vấn đề luật hóa quyền im lặng, đã có ý kiến cho rằng cần phải cân nhắc trong thời điểm hiện nay.

Góp thêm một góc nhìn, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của luật sư Trần Đức Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) lý giải vì sao cần chính thức ghi nhận quyền im lặng vào luật.

Quyền im lặng của nghi can (người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử) không phải là một vấn đề xa lạ trên thế giới nhưng lại là một khái niệm mới trong pháp luật cũng như thực tiễn giải quyết án hình sự tại Việt Nam. Đã là cái mới thì đương nhiên sẽ có những do dự, tranh cãi, ý kiến trái chiều. Đã là tranh cãi thì quan điểm nào có nhiều cái lý hơn sẽ được ủng hộ.

Thực thi quyền bào chữa

Tại thời điểm hiện nay, theo tôi, chúng ta có rất nhiều lý do để mạnh dạn luật hóa và áp dụng quyền này trên thực tế.

Thứ nhất, áp dụng quyền im lặng của nghi can là để thực thi quyền được bào chữa của họ được quy định trong Hiến pháp.

Hiến pháp quy định nghi can có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Tuy nhiên, trên thực tế thực thi quyền bào chữa không hề đơn giản. Mặc dù BLTTHS và các văn bản liên quan đã có nhiều quy định để tạo điều kiện cho nghi can tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa nhưng việc lấy lời khai nghi can của các cơ quan tố tụng trong rất nhiều trường hợp đã làm hạn chế quyền này. Khi lấy lời khai, các cơ quan tố tụng thường hướng đến các câu hỏi có lợi cho việc chứng minh tội phạm, làm cho nghi can sớm nhận tội theo nhận định của cơ quan tố tụng nhằm nhanh chóng kết thúc vụ án. Trong khi đó, không phải nghi can nào cũng có đủ bản lĩnh, tỉnh táo, hiểu biết để khai theo hướng bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình, chưa kể các trường hợp bị mớm cung, ép cung. Về sau, cho dù nghi can hay luật sư của họ có đưa ra các bằng chứng, lý lẽ gì đi nữa mà trái ngược với lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra (CQĐT) thì việc bào chữa nhiều khi cũng không có kết quả. Nhiều vụ án chứng cứ buộc tội có mâu thuẫn nhưng tòa vẫn dựa vào lời khai ban đầu để kết án.

Do đó, từ chối quyền im lặng của nghi can nghĩa là chúng ta đang hạn chế quyền được bào chữa của họ vốn đã được hiến định.


Áp dụng quyền im lặng sẽ không gây cản trở cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Ảnh minh họa: ANH TUẤN

Nâng cao vị thế luật sư

Thứ hai, việc ghi nhận quyền im lặng của nghi can là để nâng cao vị thế, vai trò của luật sư trong các vụ án hình sự. Hiện trong các vụ án hình sự, do nhiều nguyên nhân, vai trò của luật sư chưa được thể hiện một cách đầy đủ, rõ nét. Nếu chúng ta áp dụng quyền im lặng của nghi can, chắc chắn thực tế này sẽ được cải thiện.

Nâng cao nghiệp vụ điều tra

Thứ ba, áp dụng quyền im lặng của nghi can là để nâng cao nghiệp vụ điều tra, truy tố, xét xử.

Hiện nay cơ quan tố tụng coi trọng việc lấy lời khai của bị can, bị cáo hơn là việc thu thập, đánh giá chứng cứ khác nên dẫn đến nhiều trường hợp oan sai. Có nhiều vụ án công tác điều tra, truy tố, xét xử được tiến hành hời hợt, các cơ quan tố tụng chỉ dựa vào lời khai của nghi can ở giai đoạn điều tra để đưa ra phán quyết. Mà nhiều khi lời khai của nghi can ở giai đoạn điều tra sai sự thật vì bị mớm cung, ép cung, dùng nhục hình.

Chẳng hạn, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị oan, chúng ta thấy rằng CQĐT làm sai, kéo theo VKS làm sai và cuối cùng tòa cũng phán quyết sai. Theo tôi, các cơ quan tố tụng đã làm việc một cách chủ quan, chỉ dựa vào lời khai được ghi nhận trong kết luận điều tra để truy tố, xét xử mà không xem xét thấu đáo đến các bằng chứng, lập luận mà luật sư, bị cáo đã trình bày tại phiên tòa.

Không phải là rào cản

Thứ tư, áp dụng quyền im lặng của nghi can không phải là tạo thêm rào cản cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng áp dụng quyền im lặng sẽ gây cản trở cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Lý do này không thỏa đáng. Nguyên tắc của pháp luật hình sự là nghi can không có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chống lại chính mình, việc chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Do đó ý kiến cho rằng áp dụng quyền im lặng sẽ gây cản trở cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử là một quan điểm hoàn toàn trái với nguyên tắc cơ bản trên.

Hơn nữa, pháp luật đã quy định khai báo trung thực là một tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Đương nhiên nghi can sẽ có những cân nhắc trong việc khai báo để hưởng được sự khoan hồng.

Xu hướng tiến bộ

Thứ năm, hầu hết các nước trên thế giới đã và đang áp dụng quyền im lặng.

Theo tôi, đặc điểm, tính chất của tội phạm hình sự thì nơi đâu trên thế giới này cũng giống nhau; chúng ta không thể tìm ra cái đặc thù riêng để từ chối áp dụng quyền im lặng. Các nước trên thế giới đã áp dụng quyền im lặng từ lâu và cho đến nay vẫn duy trì thì chắc chắn rằng bản thân việc áp dụng quyền im lặng đã mang lại nhiều cái hay, cái tốt để chúng ta học hỏi.

Luật sư TRẦN ĐỨC HÙNG

Theo Pháp luật TP

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,169

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]