Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Hoàng Trung như sau:
Sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng
Khoản 1, Điều 18 và khoản 1, Điều 23 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định, trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.
Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;
- Công việc và địa điểm làm việc;
- Thời hạn của hợp đồng lao động;
- Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
- Chế độ nâng bậc, nâng lương;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
- Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc
Theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên.
- Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.
Điều 134 Luật BHXH quy định các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH gồm: Không đóng; Đóng không đúng thời gian quy định; Đóng không đúng mức quy định; Đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH.
Thẩm quyền thanh tra, kiểm tra
Theo khoản 1, khoản 4, khoản 5 Điều 237 Bộ Luật lao động năm 2012, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động; Giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động theo quy định của pháp luật; Xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về lao động.
Mức xử phạt vi phạm hành chính
Ngày 22/8/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định này quy định: Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
- Từ 500.000 đồng đến
2.000.000 đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động;
- Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Đối với vi phạm quy định về đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tại Điều 26 Nghị định này quy định như sau:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Chậm đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; Đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định; Đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm; Buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm.
Điểm a, khoản 3 Điều 28 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội