“Chúng ta làm sao đừng để một bộ luật lớn như thế này mà cứ 10 năm phải sửa một lần. Như thế môi trường pháp lý đầu tư, kinh doanh, cuộc sống của người dân đảo lộn hết. Có người nói với tôi rằng thà sai lầm 1/4 thế kỷ còn hơn sai lầm hàng nhiều thế kỷ nữa” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tâm tư.
Chủ yếu là sửa nguyên tắc
Nhìn vào dự thảo BLDS sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nhận xét là “không có gì mới” so với BLDS 2005 hiện hành. “Việc sửa luật phải căn cứ vào thực tiễn vướng mắc. Nếu chúng ta cứ đi đọc sách nước ngoài mà áp vào đây thì tôi không đồng tình với việc sửa luật. Với những quy định người dân đã quen thuộc thì nên giữ nguyên, không nên sửa đổi”.
Thừa nhận chưa nghiên cứu, điều chỉnh những quy định cụ thể mà mới chỉ tập trung làm rõ nguyên tắc và những vấn đề lớn, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết trong lần sửa đổi này, Chính phủ đặt ra yêu cầu là dân sự, kinh doanh, hàng hóa phải tiếp cận gần nhất với kinh tế thị trường kèm theo mở ngoặc là định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền, những quy định người dân đã quen thuộc thì nên giữ nguyên, không nên sửa đổi. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho hay tham gia làm dự án luật dân sự không chỉ các đơn vị trong nước mà còn có các chuyên gia của Nhật và Đức. “Họ cũng rất tôn trọng và nói với ta rằng sử dụng thuật ngữ nào thì đó là quyền của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam. Nhưng nếu để hội nhập thì việc sử dụng các thuật ngữ như vật quyền, trái quyền là họ hiểu ngay lập tức và không có gì xung đột về mặt pháp luật cả. Như thế sẽ giúp Việt Nam hội nhập nhanh hơn. Thà rằng 1/4 thế kỷ chúng ta đi lạc những khái niệm đó còn hơn chúng ta sẽ đi lạc mãi mãi” - ông Cường nói.
Không thể làm ngơ vấn đề tập quán
“Lúc giải lao có đại biểu nói với tôi rằng cuộc sống đẻ ra luật, không có luật thì loạn mất. Thế nhưng trong lĩnh vực dân sự, luật càng ít thì khoảng không tự do của con người lại càng nhiều. Luật càng nhiều, càng cụ thể, càng gò bó sự tự do của con người. Ví dụ như Trung Quốc lớn như thế mà chưa có luật dân sự, họ chỉ có luật về các nguyên tắc của pháp luật dân sự” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho hay.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng tỏ ra khá tâm tư trước ý kiến của đại biểu Sùng A Hồng (Điện Biên) về quy định chuyển giới, xác định lại giới tính. Bởi thực tế hiện nay có nhiều trường hợp khi bắt gọi là cô nhưng bắt về rồi xác định giới tính mới biết là nam hoặc ngược lại. Cuối cùng không biết giam họ ở đâu: Giam vào phòng nữ thì nữ không chịu; giam phòng nam thì nam không chịu. “Tâm tư của tôi là cái gì luật không cấm thì phải cho xã hội, cho dân làm. Nếu cấm trong nước thì người ta sang các nước như Thái Lan, Singapore, Campuchia chuyển đổi giới tính thì sao? Nếu họ vi phạm pháp luật thì giam ở đâu, phòng nữ hay nam cũng là vấn đề mà mình cần phải nhìn thẳng vào thực tế”.
Ông Cường cũng bộc bạch: “Tôi sợ xã hội không chấp nhận thôi chứ chấp nhận mà luật không cấm thì công dân được làm và cho người ta chuyển giới”.
Cũng theo ông Cường, quy định về tập quán được đề cập trong dự thảo luật là phù hợp và chủ yếu áp dụng trong hoạt động thương mại. “Ví dụ tôi mua hoa quả, ngoài Bắc gọi chục là 10. Còn phía Nam gọi chục có nghĩa là 12 (hoặc 14) nên nơi nào tôi mua mà anh không trả đủ 12 thì tôi có quyền đòi anh. Anh không trả đủ thì tôi có thể kiện anh ra tòa. Vì thế chúng ta không thể làm ngơ vấn đề tập quán được” - ông Cường nhấn mạnh.
“Áp dụng lẽ công bằng thì khiếu kiện suốt ngày” Trong dự thảo luật có nêu nguyên tắc áp dụng luật này dựa trên lẽ công bằng. Ở Việt Nam nếu áp dụng nguyên tắc này thì cơ quan tư pháp suốt ngày đi giải quyết khiếu kiện. Chỉ có ở các nước tiên tiến mới áp dụng được nguyên tắc này mà thôi. Tôi cũng không đồng tình với việc dự thảo bỏ đi phần về các quan hệ dân sự về sử dụng đất. Bởi khi đất đai là quyền tài sản được đưa vào lưu thông thì nó phải chịu chế định của luật dân sự như cầm cố, thế chấp… Không thể cho rằng Luật đất đai đã quy định rồi thì bỏ nó đi. Ông Nguyễn Đình Quyền, |
THÀNH VĂN - THU HẰNG