Phạm vi thông tin thuộc bí mật nhà nước
còn quá rộng và chung chung. Cần phải có quy định cụ thể và có hướng dẫn về thẩm
quyền và thủ tục giải mật. Đó là quan điểm mà nhiều đại biểu đã trình bày trong
hội thảo góp ý dự thảo Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) do Bộ Tư pháp phối hợp với
Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 18-3 tại Đà Nẵng.
Không thể “bí mật chung chung”
Đánh giá về nhóm thông tin hạn chế tiếp cận cụ thể là thông tin thuộc bí mật nhà nước, luật sư Nguyễn Hưng Quang (chuyên gia tư vấn Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện - GIG) cho rằng phạm vi thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định là khá rộng và chung chung. Phạm vi bí mật nhà nước và các loại bí mật khác chưa được quy định rõ, còn có sự chồng lấn lên nhau. Thêm nữa, vẫn còn thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền và thủ tục giải mật đối với từng cấp bí mật nhà nước.
Trong vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết và đại biểu Lê Thế Nhân (Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng và công tác xã hội, văn phòng tại Huế) cho rằng cần giới hạn thông tin thuộc về bí mật nhà nước. Phải liệt kê cụ thể những thông tin nào thuộc thông tin bí mật nhà nước, ngoài đó ra thì cần mở cửa để người dân được tiếp cận. Theo các đại biểu này, người dân có quyền có thông tin, vì thế khi xác định đó là thông tin bí mật thì cơ quan nhà nước phải giải thích tại sao giữ bí mật? Còn nếu không thuộc bí mật mà vẫn không cung cấp thì cần quy định người dân có quyền chất vấn và được trả lời lý do không cung cấp là gì? Thêm nữa, thông tin thuộc bí mật nhà nước thì cũng phải quy định mật trong bao lâu chứ không thể mật cả đời và có cơ chế giải mật. Có như vậy thì mới đảm bảo những người cầm quyền có trách nhiệm hơn với những thông tin mà họ đưa ra.
Các đại biểu đang thảo luận tại hội thảo. Trong ảnh: GS-TS Nguyễn Đăng Dung (khoa Luật - ĐHQG Hà Nội) đang trao đổi quy định về quyền được thông tin ở các nước.
TS Nguyễn Thị Thu Vân (giảng viên ĐH Hòa Bình) nêu lên thực trạng mới đây ở Hà Nội chặt 6.700 cây xanh, chi phí sử dụng cho việc này lên tới 73 tỉ đồng, tuy nhiên một lãnh đạo khi được hỏi thì trả lời không cần thiết phải hỏi ý kiến người dân. Vị giảng viên này đặt ra câu hỏi vậy ở đây luật quy định như thế nào? Chi phí một số tiền lớn,làm một việc ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nhưng không cần thông tin, hỏi ý kiến người dân liệu có đảm bảo?
Đề nghị sửa thành “Luật về quyền tự do thông tin”
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng Hiến pháp 2013 quy định chủ thể của Luật TCTT là công dân, tuy nhiên như vậy là không đủ. Theo giáo sư, phải xem đây là quyền của con người và chủ thể của luật này là mọi người thì đúng hơn.
Cũng theo vị giáo sư này thì quyền TCTT là quyền cơ bản, là cơ sở thực hiện các quyền tự do khác của con người. Tiếp cận nghĩa là mới ở mức độ mon men đến thông tin chứ chưa cho họ đến gần thông tin. Từ đó giáo sư góp ý nên đổi tên luật này thành luật về quyền tự do thông tin thay vì quyền TCTT. Giáo sư đặt ra vấn đề TCTT thì liệu có được sao chép, lưu giữ thông tin đó hay không... Trong khi luật này cần hướng tới các quyền cụ thể phải đảm bảo: Quyền tìm kiếm, quyền tiếp nhận, quyền lưu giữ, quyền phổ biến và sử dụng. Vậy ở đây, tiếp cận không là chưa đủ mà phải đảm bảo cả các quyền như trên nữa mới chính xác để tránh trường hợp khi người dân đến để yêu cầu cung cấp thông tin nhưng cơ quan nhà nước trả lời chỉ được đọc chứ không được sao chép, không được lưu giữ.
Mỹ: Ngoài thông tin thuộc nhóm ngoại trừ, tất cả phải cung cấp cho dân Ở Mỹ bất kỳ cá nhân nào yêu cầu cung cấp thông tin đều được đáp ứng, miễn không phạm vào một trong chín nhóm ngoại trừ. Chẳng hạn, khi chính quyền muốn chặt hàng ngàn cây xanh (như ở Hà Nội) thì người dân có quyền được biết thông tin, một người dân lên yêu cầu cung cấp thông tin thì phải được đáp ứng. Nếu không được cung cấp thì họ có quyền khởi kiện ra tòa. Ở Mỹ có những yêu cầu cung cấp thông tin rất ngớ ngẩn mà có lẽ là người được hỏi sẽ thấy buồn cười và lơ đi. Ví dụ như có những vấn đề liên quan đến người ngoài hành tinh và hỏi có phải chính quyền đang che giấu hay không. Nhưng luật quy định phải trả lời cho người dân chứ không thể lơ đi mà không biết. Ông BRIAN GIACOMETTI, Giám đốc hợp phần quản trị và trách nhiệm giải trình - GIG |
DƯƠNG HẰNG