Luật hình sự quy định 7 loại hình phạt chính, gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất (hình phạt không tước quyền tự do), tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình. Vậy nhưng trong thực tế xét xử, các tòa án thường áp dụng hình phạt tù, còn các loại hình phạt chính khác từ cảnh cáo đến cải tạo không giam giữ rất ít khi được áp dụng.
Ảnh minh họa
Theo thống kê của Toà án Nhân dân tối cao, hàng năm tỷ lệ người phạm tội bị kết án phạt tù chiếm khoảng 90%, trong đó có khoảng 20% là người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Số bị cáo bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tiền, cảnh cáo chỉ chiếm khoảng 0,6%. Đa số các trường hợp phạm tội mà trong Luật hình sự quy định hình phạt chính là cải tạo không giam giữ, phạt tiền hoặc phạt tù thì hình phạt tù gần như đương nhiên được các thẩm phán áp dụng
Vì sao các hình phạt không tước quyền tự do (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ) lại ít được các Tòa án áp dụng trong thực tiễn xét xử? Lý giải vấn đề này, từ thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của mình, ông Trần Văn Độ - nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương chỉ rõ: Trước hết là do Luật Hình sự của ta luôn coi trọng hình phạt tù hơn các hình phạt không tước quyền tự do, điều này thể hiện rõ ở việc quy định hình phạt tù đối với hầu hết các tội cụ thể, hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ luôn đi kèm với hình phạt tù. Cùng với đó là nhận thức của xã hội và cả thẩm phán về mục đích áp dụng hình phạt là nhằm trừng trị, răn đe hơn là giáo dục phòng ngừa.
“Bên cạnh đó, các thẩm phán còn có tâm lý nếu áp dụng hình phạt ngoài tù thì sợ bị nghi ngờ liên quan tiêu cực nên thường áp dụng phạt tù để an toàn và án ít bị sửa, hủy hơn”, ông Độ cho biết.
Ở một góc nhìn khác, nhiều chuyên gia và luật sư cho rằng: Hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ ít được áp dụng bởi thông lệ và tập quán xét xử chúng ta thường đi theo cách làm cũ của các thế hệ trước; các thẩm phán thường có tâm lý sợ sự nghi ngờ và phản ứng của dư luận và nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình, tránh án bị sửa bị huỷ.
Luật sư Lê Văn Phất - Trưởng văn phòng Luật sư An Phát Phạm nói: “Việc áp dụng hình phạt chính mà không phải hình phạt tù rất ít được áp dụng, theo tôi là do thông lệ áp dụng pháp luật. Các thẩm phán của ta thường làm theo những gì trước đó đã làm… Một vụ án, một trường hợp cụ thể luật quy định rõ có thể phạt tiền từ 1-5 triệu đồng hoặc phạt từ 3 tháng đến 3 năm tù chẳng hạn thì thẩm phán hoàn toàn có thể tuyên phạt tiền, nhưng thẩm phán sợ trách nhiệm nên chỉ tuyên phạt tù”.
Bà Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo lại chỉ ra một nguyên nhân khác làm cho Tòa án ít áp dụng hình phạt tiền hay cải tạo không giam giữ đó là việc theo dõi thi hành án đối với các bị án không tước quyền tự do chưa được tổ chức thực hiện tốt nên hiệu quả trừng trị, cải tạo đối với bị án cũng như giáo dục phòng ngừa chung của loại hình phạt này chưa thật sự có tác dụng.
“Phạt tiền, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ là hình phạt chính có tác dụng rất tốt cho xã hội và cả người bị án trong cải tạo giáo dục nếu tổ chức thực hiện tốt nhưng thực tế ít áp dụng vì việc theo dõi, thi hành các hình phạt này chưa tốt (từ cả bị án đến chính quyền địa phương)…Từ đó mà Toà tìm lối thoát bằng cách tăng cường áp dụng án treo như một giải pháp hạn chế tước quyền tự do…”, bà Lý nêu ý kiến.
Các hình phạt chính không tước tự do có vai trò quan trọng không chỉ bảo đảm nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt mà còn thể hiện được rõ chính sách nhân đạo của Luật Hình sự. Việc tăng cường hiệu quả của các hình phạt không tước tự do là một trong những vấn đề đang được đặt ra trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 1999 nhằm tiếp tục tăng cường chính sách nhân đạo, tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội đã được thể hiện trong Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, để hình không tước tự do có thể được áp dụng và phát huy được hiệu quả nhiều hơn trên thực tế, pháp luật hình sự Việt Nam cần đưa ra các quy định cụ thể về điều kiện, đối tượng áp dụng, trách nhiệm thẩm phán trong quyết định hình phạt cũng như trách nhiệm của chính quyền và các cấp, các ngành trong quản lý giáo dục đối với bị án./.
Tiến Anh