iThong 09/10/2023 14:30 PM

Quy định về giới hạn hành lang an toàn đường bộ ở Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
09/10/2023 14:30 PM

Xin cho tôi hỏi hành lang an toàn đường bộ là gì? Giới hạn hành lang an toàn đường bộ ở Việt Nam được quy định ra sao? – Kim Phúc (Kiên Giang)

Quy định về giới hạn hành lang an toàn đường bộ ở Việt Nam

Quy định về giới hạn hành lang an toàn đường bộ ở Việt Nam (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hành lang an toàn đường bộ là gì?

Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ.

(Điều 15 Nghị định 11/2010/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 100/2013/NĐ-CP)

2. Quy định về giới hạn hành lang an toàn đường bộ ở Việt Nam

Cụ thể, giới hạn hành lang an toàn đường bộ xác định theo quy hoạch đường bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được quy định như sau:

(1) Đối với đường ngoài đô thị: Căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn đường bộ có bề rộng tính từ đất của đường bộ trở ra mỗi bên là:

- 17 mét đối với đường cấp I, cấp II;

- 13 mét đối với đường cấp III;

- 09 mét đối với đường cấp IV, cấp V;

- 04 mét đối với đường có cấp thấp hơn cấp V.

(2) Đối với đường đô thị, giới hạn hành lang an toàn đường bộ là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

(3) Đối với đường cao tốc ngoài đô thị:

- 17 mét, tính từ đất của đường bộ ra mỗi bên;

- 20 mét, tính từ mép ngoài của kết cấu ngoài cùng ra mỗi bên đối với cầu cạn và hầm;

- Trường hợp đường cao tốc có đường bên, căn cứ vào cấp kỹ thuật của đường bên để xác định hành lang an toàn theo (1) nhưng không được nhỏ hơn giới hạn hành lang an toàn được quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 3 Điều 15 Nghị định 11/2010/NĐ-CP.

(4) Đối với đường cao tốc trong đô thị:

- Không nhỏ hơn 10 mét tính từ mép ngoài của kết cấu ngoài cùng ra mỗi bên đối với hầm và cầu cạn;

- Là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với hầm và cầu cạn có đường bên và đường cao tốc có đường bên;

- Từ mép ngoài của mặt đường đến chỉ giới đường đỏ, nhưng không nhỏ hơn 10 mét đối với đường cao tốc không có đường bên.

(5) Đối với đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang an toàn đường sắt thì phân định ranh giới quản lý theo nguyên tắc ưu tiên bố trí hành lang an toàn cho đường sắt, nhưng ranh giới hành lang an toàn dành cho đường sắt không được chồng lên công trình đường bộ.

Trường hợp đường bộ, đường sắt liền kề và chung nhau rãnh dọc thì ranh giới hành lang an toàn là mép đáy rãnh phía nền đường cao hơn, nếu cao độ bằng nhau thì ranh giới hành lang an toàn là mép đáy rãnh phía đường sắt.

(6) Đối với đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang bảo vệ đường thủy nội địa thì ranh giới hành lang an toàn là mép bờ tự nhiên.

(7) Xử lý hành lang an toàn đường cao tốc đã được xác định theo quy định trước ngày Nghị định 11/2010/NĐ-CP có hiệu lực:

- Trường hợp dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã thực hiện xong hoặc đang thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, phạm vi hành lang an toàn giữ nguyên theo phạm vi đã được phê duyệt;

- Trường hợp dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, Chủ đầu tư dự án phê duyệt lại hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt lại phạm vi hành lang an theo quy định tại Nghị định 11/2010/NĐ-CP.

(Điều 15 Nghị định 11/2010/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 100/2013/NĐ-CP)

3. Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ

Các hoạt động giao thông đường bộ phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau đây:

- Hoạt động giao thông đường bộ phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

- Phát triển giao thông đường bộ theo quy hoạch, từng bước hiện đại và đồng bộ; gắn kết phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác.

- Quản lý hoạt động giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.

- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

- Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

(Điều 4 Luật Giao thông đường bộ 2008)

Để giúp mọi người thuận tiện trong việc tra cứu các mức phạt vi phạm giao thông, 

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã cho ra đời iThong – App tra cứu mức phạt giao thông:

Tải về App iThong trên Android TẠI ĐÂY

Tải về App iThong trên iOS TẠI ĐÂY

Hoặc Quét mã QR dưới đây:

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 30,121

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]