iThong 02/02/2024 17:00 PM

Tiêu phản quang là gì? Các loại tiêu phản quang

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
02/02/2024 17:00 PM

Cho tôi hỏi tiêu phản quang là gì? Và các loại tiêu phản quang hiện nay được quy định gồm những loại nào? - Văn Ân (Tiền Giang)

Tiêu phản quang là gì? Các loại tiêu phản quang

Tiêu phản quang là gì? Các loại tiêu phản quang (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tiêu phản quang là gì?

Theo Điều 61 QCVN 41:2019/BGTVT thì tiêu phản quang là thiết bị dẫn hướng được gắn các công cụ phản quang để dẫn hướng xe chạy vào ban đêm hoặc trong điều kiện sương mù, điều kiện hạn chế tầm nhìn. Tiêu phản quang được bố trí tại các nơi mà tuyến đường có thể gây ngộ nhận hoặc lúng túng về hướng đường.

Tiêu phản quang phải gắn công cụ phản quang cho phép nhìn rõ vào buổi tối dưới ánh đèn pha ô tô đạt tiêu chuẩn trong điều kiện thời tiết bình thường ở cự ly 300m.

Công cụ phản quang có thể là các tấm nhựa phản quang, các khối kim loại gắn phản quang, màng phản quang dán trên các miếng kim loại v.v... Công cụ phản quang có thể có dạng hình tròn, hình chữ nhật, hình tam giác hoặc hình đa giác được gắn lên các lan can phòng hộ, tường bảo vệ hoặc gắn xuống mặt đường. Công cụ phản quang cũng bao gồm các vật liệu phản quang dạng dải quấn quanh các cọc tiêu phản quang.

Tiêu phản quang màu vàng được sử dụng ở các dải phân cách giữa, tại bên đường các đường một chiều hay bên phải của đường hai chiều. Tiêu phản quang màu đỏ được sử dụng cho hướng ngược chiều (bên trái) theo chiều đi của đường hai chiều (để cảnh báo người lái đi nhầm đường) và sử dụng cho các đường lánh nạn.

2. Các loại tiêu phản quang

Theo Điều 61 QCVN 41:2019/BGTVT thì tiêu phản quang bao gồm: tiêu phản quang bố trí bên đường hoặc trên dải phân cách, tiêu phản quang dạng mũi tên và đinh phản quang (còn gọi là cóc phản quang) bố trí trên mặt đường.

3. Quy định về tiêu phản quang bố trí bên đường hoặc trên dải phân cách

Tiêu phản quang bố trí bên đường hoặc trên dải phân cách theo Điều 61 QCVN 41:2019/BGTVT như sau:

* Phạm vi áp dụng tiêu phản quang bố trí bên đường hoặc trên dải phân cách:

- Trên các đường cao tốc:

+ Bố trí dọc hai bên đường. Khi đó, nếu lan can phòng hộ cách mép phần đường xe chạy dưới 2,4 m, gắn tiêu phản quang lên lan can phòng hộ. Các trường hợp khác có thể bố trí tiêu phản quang dạng cột đặt bên đường;

+ Bố trí ít nhất một bên trên các nhánh nối của các nút giao khác mức liên thông.

- Trên các đường khác: nên sử dụng tiêu phản quang tại vị trí các đoạn đường bị thu hẹp phần đường xe chạy mà không có lan can phòng hộ, các đoạn đường đèo dốc quanh co hạn chế tầm nhìn, trong phạm vi đường lánh nạn, nơi đường bộ giao nhau với đường sắt. 

Nơi đường thường xuyên có sương mù cần bố trí tiêu phản quang trên các vật thể cứng liền kề phần xe chạy như các đầu đảo giao thông, bó vỉa v.v... khi khó nhận biết các vật thể này về ban đêm.

* Không cần sử dụng tiêu phản quang bố trí bên đường và trên dải phân cách trong các trường hợp sau:

- Trên mặt đường đã được gắn đinh phản quang liên tục;

- Đã sử dụng tiêu phản quang dạng mũi tên trong các đường cong;

- Tại những nơi có đèn đường chiếu sáng liên tục về ban đêm;

- Làn đường mở rộng dần theo chiều xe chạy.

* Vị trí và khoảng cách tiêu phản quang bố trí bên đường và trên dải phân cách như sau:

- Tiêu phản quang đặt cách mép phần xe chạy phía ngoài cùng từ 0,6 m - 2,4 m và cách đều mép mặt đường, lượn cong đều theo mép phần đường xe chạy;

- Trên đường thẳng, khoảng cách giữa tiêu phản quang không nhỏ hơn 10 m và không quá 100 m;

- Trong phạm vi đường cong nằm, khoảng cách nhỏ nhất giữa các tiêu phản quang là 6 m và tối đa là 100 m phụ thuộc vào bán kính đường cong;

- Phần đường thẳng tiếp giáp với điểm bắt đầu hoặc kết thúc của đường cong bố trí 3 tiêu. Tiêu đầu tiên cách điểm bắt đầu hoặc kết thúc của đường cong là 1S; tiêu thứ hai cách tiêu thứ nhất là 3S, và tiêu thứ 3 cách tiêu thứ 2 là 6S nhưng cũng không cách xa quá 100 m (S là khoảng cách giữa các tiêu bố trí trong đường cong).

 

Để giúp mọi người thuận tiện trong việc tra cứu các mức phạt vi phạm giao thông, 

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã cho ra đời iThong – App tra cứu mức phạt giao thông:

Tải về App iThong trên Android TẠI ĐÂY

Tải về App iThong trên iOS TẠI ĐÂY

Hoặc Quét mã QR dưới đây:

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,326

Bài viết về

iThong

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]