Quy trình tiếp nhận xử lý tin báo tố giác hành vi bạo lực gia đình

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
07/11/2023 13:00 PM

Xin hỏi quy trình tiếp nhận xử lý tin báo tố giác hành vi bạo lực gia đình như thế nào? - Thúy Nga (Phú Yên)

Quy trình tiếp nhận xử lý tin báo tố giác hành vi bạo lực gia đình (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Địa chỉ tiếp nhận tin báo tố giác về hành vi bạo lực gia đình

Theo Điều 19 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 quy định các địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

- Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

- Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học;

- Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

- Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

- Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, việc báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình đến địa chỉ quy định nêu trên được thực hiện theo các hình thức sau đây:

- Gọi điện, nhắn tin;

- Gửi đơn, thư;

- Trực tiếp báo tin.

2. Quy trình tiếp nhận xử lý tin báo tố giác hành vi bạo lực gia đình

2.1 Quy trình tiếp nhận xử lý tin báo tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua Tổng đài

Tại Điều 9 Nghị định 76/2023/NĐ-CP nêu rõ quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua tổng đài như sau:

- Người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình thì gọi đến số điện thoại của Tổng đài để báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.

- Người tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua số điện thoại của Tổng đài thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận theo Mẫu số 03 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 76/2023/NĐ-CP đồng thời thực hiện tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với hành vi bạo lực gia đình.

- Ngay sau khi kết thúc việc tiếp nhận tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình, người tiếp nhận quy định nêu trên phải thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi được thông tin xảy ra hành vi bạo lực gia đình để giải quyết theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận thông báo xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 11 Nghị định 76/2023/NĐ-CP. Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì việc xử lý theo quy định của pháp luật về trẻ em.

2.2 Quy trình tiếp nhận xử lý tin báo tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua các địa chỉ khác

- Tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua địa chỉ quy định tại mục 1 (trừ Tổng đài):

+ Khi tiếp nhận tin báo, tố giác trực tiếp hoặc qua điện thoại thì người tiếp nhận thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận theo Mẫu số 04 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 76/2023/NĐ-CP đồng thời thực hiện tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với hành vi bạo lực gia đình;

+ Khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua tin nhắn, đơn, thư thì người tiếp nhận thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận theo Mẫu số 05 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 76/2023/NĐ-CP.

- Xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua địa chỉ quy định tại mục 1 (trừ Tổng đài):

+ Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình phải kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình theo thẩm quyền; đồng thời thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình. 

Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì xử lý theo quy định của pháp luật về trẻ em;

+ Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, qua địa chỉ cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học; Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; phải thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi được thông tin xảy ra hành vi bạo lực gia đình và theo khả năng của mình tham gia ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình để xác minh tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình khi có yêu cầu.

- Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng quy định nêu trên có trách nhiệm thông báo kết quả việc xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình khi có đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.

(Điều 10 Nghị định 76/2023/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 505

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]