Người điều hành tổ chức tín dụng theo Luật Các Tổ chức tín dụng 2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
27/02/2024 14:15 PM

Cho tôi biết ai được xem là những người điều hành tổ chức tín dụng theo Luật Các Tổ chức tín dụng 2024? – Xuân Ngọc (Bạc Liêu)

Người điều hành tổ chức tín dụng theo Luật Các Tổ chức tín dụng 2024

Người điều hành tổ chức tín dụng theo Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Người điều hành tổ chức tín dụng gồm những ai?

Theo khoản 25 Điều 4 Luật Các Tổ chức tín dụng 2024, Người điều hành tổ chức tín dụng bao gồm Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh và các chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Người điều hành tổ chức tín dụng có phải là người đại diện theo pháp luật?

Theo quy định, người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng được quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng và phải là một trong những người sau đây:

- Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng;

- Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng.

Như đã đề cập ở trên, Tổng giám đốc (Giám đốc) là một trong những người điều hành tổ chức tín dụng.

Do đó, người điều hành tổ chức tín dụng cũng có thể là người đại diện theo pháp luật nhưng chỉ áp dụng với trường hợp người đó là Tổng giám đốc (Giám đốc).

Tuy nhiên trong trường hợp Tổng giám đốc (Giám đốc) vắng mặt ở Việt Nam thì có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác là người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng đang cư trú tại Việt Nam để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng.

(Khoản 1, 2 Điều 11 Luật Các Tổ chức tín dụng 2024)

Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:

- Tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 41 Luật Các Tổ chức tín dụng 2024

+ Không thuộc trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Các Tổ chức tín dụng 2024;

+ Có đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

- Có trình độ từ đại học trở lên về một trong các ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, kế toán, kiểm toán;

- Có một trong các điều kiện sau đây: có ít nhất 05 năm là người điều hành tổ chức tín dụng; có ít nhất 05 năm là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với loại hình tổ chức tín dụng tương ứng và có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán; có ít nhất 10 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán;

- Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

(Khoản 4 Điều 41 Luật Các Tổ chức tín dụng 2024)

Quyền và nghĩa vụ của người điều hành tổ chức tín dụng

Cụ thể tại Điều 48 Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 quy định về quyền và nghĩa vụ của người điều hành tổ chức tín dụng như sau:

- Tuân thủ pháp luật, Điều lệ của tổ chức tín dụng, nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên, chủ sở hữu, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng.

- Thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, vì lợi ích của tổ chức tín dụng, cổ đông, thành viên góp vốn và chủ sở hữu của tổ chức tín dụng.

- Không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của tổ chức tín dụng, lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của tổ chức tín dụng để thu lợi cá nhân hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác làm tổn hại tới lợi ích của tổ chức tín dụng, cổ đông, thành viên góp vốn và chủ sở hữu của tổ chức tín dụng.

- Chịu trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng 2024.

- Bảo đảm lưu trữ hồ sơ của tổ chức tín dụng để cung cấp được các số liệu phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành, kiểm soát mọi hoạt động của tổ chức tín dụng, hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước.

- Am hiểu về các loại rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

- Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho tổ chức tín dụng về quyền lợi của mình tại tổ chức khác, giao dịch với tổ chức, cá nhân khác có thể gây xung đột với lợi ích của tổ chức tín dụng và chỉ được tham gia vào giao dịch đó khi được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên chấp thuận.

- Không được tạo điều kiện để bản thân hoặc người có liên quan của mình vay vốn, sử dụng các dịch vụ ngân hàng khác của tổ chức tín dụng với những điều kiện ưu đãi, thuận lợi hơn so với quy định chung của tổ chức tín dụng.

- Không được tăng thù lao, lương hoặc yêu cầu trả thưởng cho người quản lý, người điều hành khi tổ chức tín dụng đó bị lỗ.

- Trong phạm vi quyền, nghĩa vụ được giao, có trách nhiệm thực hiện yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước. Thực hiện khuyến nghị, cảnh báo rủi ro và an toàn hoạt động, cảnh báo nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

- Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 503

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]