Chỉ thị Bộ Nông Nghiệp tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
24/02/2024 15:09 PM

Có phải Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn vừa ban hành Chỉ thị tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán năm 2024 phải không? Cụ thể như thế nào? - Thanh Lam (Quảng Bình)

Chỉ thị Bộ Nông Nghiệp tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán năm 2024 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Các giải pháp phòng chống hạn hán năm 2024

Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán năm 2024 cũng như thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2024. Thực hiện chỉ đạo tại Công điện 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị 661/CT-BNN-TL ngày 23/01/2024 yêu cầu các ban ngành phối hợp thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán năm 2024 cũng như thiếu nước, xâm nhập mặn như sau:

(1) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán năm 2024 cụ thể như sau:

- Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo tại Công điện 397/CĐ-TTg của Thủ tướng ngày 13/5/2023 về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công điện 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;

- Rà soát kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 để phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; trong đó cần xác định nguy cơ ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể.

- Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm,..) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2023-2024;

- Bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước;

- Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao;

- Chủ động phối hợp với các chủ hồ chứa thủy điện và các cơ quan liên quan xây dựng hoặc có văn bản đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức xây dựng (với nguồn nước liên tỉnh) kế hoạch lấy nước vùng hạ du các hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp trong cả mùa khô năm 2024; trong đó, thống nhất cụ thể và phương án điều tiết nước cho hạ du theo hướng vận hành linh hoạt, tiết kiệm nước, bảo đảm phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi, đủ nước cung cấp cho cây trồng, thực hiện thời vụ sản xuất tập trung để không kéo dài thời gian lấy nước; đồng thời bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm.

- Rà soát khả năng cung cấp nguồn nước tới từng hộ, thôn/ấp, xã, huyện, tỉnh ở các vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt; tăng cường sử dụng trang, thiết bị phục vụ cấp và trữ nước cho các hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, như: bồn trữ nước, máy lọc nước hộ gia đình, hóa chất xử lý nước. Trường hợp cấp bách, không còn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, cần sử dụng các phương tiện lưu động, như: xe cứu hỏa, xe quân đội chuyên chở nước cung cấp đến từng cụm dân cư, hộ gia đình;

- Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung, đặc biệt là công trình cấp nước, ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi;

- Tăng cường truyền thông về tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tới người dân, các cấp chính quyền và cơ quan liên quan để nâng cao nhận thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chủ động có giải pháp phù hợp;

- Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trường hợp nguồn kinh phí vượt quá khả năng của địa phương, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính để tổng hợp, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo quy định.

(2) Cục Thuỷ lợi phối hợp thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán năm 2024 như sau:

- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kịp thời cảnh báo cho các địa phương và cơ quan liên quan; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh;

- Tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá năng lực, hiệu quả của các công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, công trình quan trọng đặc biệt, công trình liên tỉnh và một số công trình lớn; lập bản đồ trực tuyến cảnh báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để phục vụ xây dựng kế hoạch cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, hạn chế thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra;

- Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực công trình cấp nước sạch nông thôn, đề xuất các giải pháp duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động công trình, bảo đảm cấp nước cho người dân, nhất là tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt ở Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi, hải đảo.

- Chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các cơ quan và địa phương liên quan tổ chức xây dựng kế hoạch lấy nước vùng hạ du các hồ chứa thủy điện thuộc lưu vực sông liên tỉnh để phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2024 theo hướng vận hành linh hoạt, bảo đảm đủ nước cung cấp cho cây trồng, đồng thời bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông thường xuyên phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng các thông tin liên quan đến tình hình nguồn nước và các chuyên đề hướng dẫn phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;

- Tổng hợp nhu cầu kinh phí đề nghị hỗ trợ thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của các địa phương, trình Bộ có văn bản đề xuất theo quy định tại Quyết định 305/QĐ-TTg ngày 05/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về phạm vi, đối tượng, nội dung chi và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

 Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 791

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]