Ngoài lấy vân tay, sẽ thu thập thêm sinh trắc học mống mắt khi làm thẻ căn cước mới từ ngày 01/7/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
10/05/2024 08:50 AM

Xin được hỏi có phải sắp tới đây khi đi làm thẻ căn cước mới sẽ có thu thập sinh trắc học mống mắt không? – Gia Hân (Đồng Nai)

Từ ngày 01/7: Thu thập sinh trắc học mống mắt khi công dân làm thẻ căn cước mới

Từ ngày 01/7: Thu thập sinh trắc học mống mắt khi công dân làm thẻ căn cước mới (Hình từ internet)

Sinh trắc học mống mắt là gì?

Sinh trắc học là những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học cá biệt và ổn định của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác (khoản 3 Điều 3 Luật Căn cước 2023)

Sinh trắc học được sử dụng để xác thực danh tính của người dùng để truy cập vào các hệ thống hoặc thiết bị. Ví dụ, dấu vân tay được sử dụng để mở khóa điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay.

Mống mắt là cấu trúc hình vành khăn nằm trong mắt, chính giữa của nó là hình tròn được gọi là đồng tử. Mống mắt bao gồm các đường vân rất phức tạp tạo thành một cấu trúc riêng biệt. Vì vậy, mống mắt của mỗi người là duy nhất và thường không thay đổi theo thời gian.

Dữ liệu về mống mắt có khả năng chính xác cao, rất phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam hiện nay khi các giao dịch điện tử được mở rộng, dữ liệu về mống mắt sử dụng cho các thiết bị thông minh được trang bị các camera, tránh các trường hợp giả mạo khuôn mặt, video giả mạo khi định danh, xác thực cho các giao dịch.

Thu thập sinh trắc học mống mắt khi công dân làm thẻ căn cước mới từ ngày 01/7/2024

Luật Căn cước 2023 được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024. Gồm có 7 chương và 46 điều.

Trong đó, về thông tin xác thực sinh trắc học mống mắt quy định tại Điểm b, khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước 2023 quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước nêu rõ: “Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước”.

Như vậy, kể từ ngày 01/7/2024, việc thu nhận thông tin sinh trắc học sẽ được cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu thập khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước.

 Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...)

Đây là một đổi mới hiện đại trong công nghệ nhận dạng sinh trắc học và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia trên thẻ căn cước mới sắp tới, theo xu thế của các nước tiên tiến trên thế giới.

Nội dung thể hiện trên thẻ căn cước mới từ ngày 01/7/2024

Theo Điều 18 Luật Căn cước 2023, nội dung in trên thẻ căn cước gồm:

- Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;

- Dòng chữ “CĂN CƯỚC”;

- Ảnh khuôn mặt;

- Số định danh cá nhân;

- Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

- Ngày, tháng, năm sinh;

- Giới tính;

- Nơi đăng ký khai sinh;

- Quốc tịch;

- Nơi cư trú;

- Ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng;

- Nơi cấp: Bộ Công an.

 So với mẫu căn cước công dân hiện nay thì mẫu căn cước mới sẽ có dòng chữ là “CĂN CƯỚC” thay vì “CĂN CƯỚC CÔNG DÂN”. Đồng thời mục “Quê quán” trên thẻ căn cước công dân cũ cũng sẽ bị ẩn đi.

Các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước mới

Theo Điều 24 Luật Căn cước 2023 quy định như sau:

- Các trường hợp được cấp đổi thẻ căn cước gồm:

+ Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Căn cước 2023;

+ Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;

+ Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;

+ Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;

+ Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;

+ Xác lập lại số định danh cá nhân;

+ Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.

- Các trường hợp được cấp lại thẻ căn cước gồm:

+ Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại Điều 21 Luật Căn cước 2023;

+ Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.

Xem thêm chi tiết Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 721

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]