Thanh niên xung phong là ai? Nhiệm vụ của thanh niên xung phong

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
22/08/2023 09:00 AM

Thanh niên xung phong là ai? Nhiệm vụ của thanh niên xung phong được quy định thế nào? - Khánh Vân (Cần Thơ)

Thanh niên xung phong là ai? Nhiệm vụ của thanh niên xung phong

Thanh niên xung phong là ai? Nhiệm vụ của thanh niên xung phong (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thanh niên xung phong là ai? 

Theo Điều 3 Nghị định 12/2011/NĐ-CP thì thanh niên xung phong là lực lượng xung kích của thanh niên tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, giáo dục, rèn luyện và đào tạo thanh niên.

2. Nhiệm vụ của thanh niên xung phong

Nhiệm vụ của thanh niên xung phong theo Điều 4 Nghị định 12/2011/NĐ-CP như sau:

- Tham gia thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được giao ở biên giới, hải đảo, những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (sau đây gọi chung là vùng khó khăn).

- Tham gia thực hiện việc khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, trật tự an toàn giao thông, bảo đảm an ninh quốc phòng và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác.

- Tham gia thực hiện cai nghiện ma túy, giáo dục lao động, giải quyết việc làm cho thanh niên sau cai nghiện ma túy và các đối tượng thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội khác.

- Tham gia sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân sản xuất và đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên.

- Giáo dục, rèn luyện, đào tạo và bồi dưỡng văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho đội viên, cán bộ quản lý thanh niên xung phong.

3. Thẩm quyền thành lập, giải thể và quản lý thanh niên xung phong

Thẩm quyền thành lập, giải thể và quản lý thanh niên xung phong theo Điều 5 Nghị định 12/2011/NĐ-CP như sau:

- Thanh niên xung phong chỉ được thành lập khi cần huy động thanh niên để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại mục 2 trong thời gian từ 24 tháng trở lên.

- Thẩm quyền thành lập, giải thể và quản lý thanh niên xung phong được quy định như sau:

+ Thanh niên xung phong ở Trung ương do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quyết định thành lập, giải thể và quản lý;

+ Thanh niên xung phong ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung thanh niên xung phong cấp tỉnh) do Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, thành quyết định thành lập, giải thể và quản lý.

- Việc thành lập thanh niên xung phong phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Trang phục và các hình thức ghi nhận thanh niên xung phong

Trang phục và các hình thức ghi nhận thanh niên xung phong theo Điều 8 Nghị định 12/2011/NĐ-CP như sau:

- Trang phục thanh niên xung phong bao gồm: đồng phục, cấp hiệu, phù hiệu thanh niên xung phong.

- Các hình thức ghi nhận thanh niên xung phong bao gồm: Thẻ đội viên thanh niên xung phong, Giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ thanh niên xung phong, Kỷ niệm chương thanh niên xung phong.

- Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quy định thống nhất trang phục và các hình thức ghi nhận thanh niên xung phong quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2011/NĐ-CP và quyết định việc trao tặng Kỷ niệm chương thanh niên xung phong.

5. Chính sách với đơn vị thanh niên xung phong

Chính sách với đơn vị thanh niên xung phong theo Điều 15 Nghị định 12/2011/NĐ-CP như sau:

- Tổng đội thanh niên xung phong được hưởng các chính sách sau đây:

+ Nhà nước cấp kinh phí để thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tương ứng với nhiệm vụ được giao; đảm bảo cho các hoạt động thường xuyên của bộ máy quản lý quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2011/NĐ-CP theo quy định của pháp luật;

+ Được Nhà nước giao quyền sử dụng đất, giao rừng và được miễn, giảm thuế sử dụng đất trong thời gian thực hiện dự án theo quy định của pháp luật;

+ Được quyền vay vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất và được ủy thác vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cho đội viên thanh niên xung phong thuộc tổng đội để sản xuất, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật.

- Trung tâm, Trường Giáo dục lao động xã hội của tổ chức thanh niên xung phong được hưởng các chính sách sau đây:

+ Được hưởng chính sách ưu đãi đối với hoạt động cai nghiện ma túy và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện; hoạt động dạy nghề và dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật;

+ Nhà nước đảm bảo cho các hoạt động thường xuyên của bộ máy quản lý quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 12/2011/NĐ-CP theo quy định của pháp luật.

- Doanh nghiệp thuộc tổ chức thanh niên xung phong sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước giao được cấp kinh phí tương ứng và được hưởng các cơ chế, chính sách, ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp thuộc tổ chức thanh niên xung phong tiếp nhận đội viên thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nhiệm vụ hoặc thanh niên sau cai nghiện ma túy được hưởng các chính sách quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 12/2011/NĐ-CP.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,461

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]