Danh sách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ gồm những ai?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
11/11/2023 11:44 AM

Tôi muốn biết danh sách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ ở Việt Nam bao gồm những ai? Tiêu chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là gì? – Hương Giang (Bình Dương)

Danh sách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ gồm những ai?

Danh sách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ gồm những ai? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Vị trí, chức năng của Bộ Quốc phòng

Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc Chính phủ nước Cộng  hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đứng đầu, có chức năng quản lý nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ;

Đồng thời là cơ quan trung ương chỉ đạo, chỉ huy Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ cùng Nhân dân đấu tranh trong thế trận chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại và xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Danh sách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ

Danh sách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ ở Việt Nam như sau:

(1) Thượng tướng CHU VĂN TẤN (1910 - 1984): Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ lâm thời và Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (9/1945 - 2/1946)

(2) Luật sư PHAN ANH (1912 - 1990); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (3 - 11/1946).

(3) Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP (1911 – 2013): Bộ trưởng 1946 - 8/1947; 8/1948 - 1980; Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam (1946 - 1975); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) (từ 1946 - 8/1947; 8/1948 - 1980)

(4) Bộ trưởng TẠ QUANG BỬU (1910 - 1986): Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1947 - 1948);

(5) Đại tướng VĂN TIẾN DŨNG (1917 - 2002): Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ 1980 – 1986.

(6) Đại tướng LÊ ĐỨC ANH (1920 – 2019); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ 1987 - 1991; Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1992 – 1997).

(7) Đại tướng ĐOÀN KHUÊ (1923 - 1998); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 1991 - 1997).

(8) Đại tướng PHẠM VĂN TRÀ (Sinh năm 1935); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 1997 - 2006)

(9) Đại tướng PHÙNG QUANG THANH (1949 - 2021): Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 2006 - 2016)

(10) Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCH (Sinh năm 1954); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 2016 - 2021).

(11) Đại tướng PHAN VĂN GIANG (Sinh năm 1960); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 2021 - nay)

Tiêu chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Theo Quy định 214-QĐ/TW, tiêu chuẩn chức danh Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được quy định như sau:

- Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có trình độ cao và am hiểu sâu sắc về quản lý nhà nước, nắm chắc pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế.

- Có năng lực cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để hoạch định phương hướng, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực được phân công và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

- Có kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành và quyết đoán, quyết liệt, kịp thời quyết định những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Không bị chi phối bởi lợi ích nhóm.

- Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp thứ trưởng hoặc phó trưởng ban, ngành, đoàn thể Trung ương hoặc lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh.

Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương

Tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác.

Có ý thức, trách nhiệm cao, kiến thức toàn diện; tích cực tham gia thảo luận, đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương.

Có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công quản lý, phụ trách. Có năng lực dự báo, xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ; có khả năng làm việc độc lập.

Có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước.

Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương.

Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương phải là những cán bộ trẻ; cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; qua thực tiễn công tác thể hiện có năng lực, triển vọng phát triển về tố chất lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; được quy hoạch chức danh Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương và lãnh đạo chủ chốt tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương, ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương nhiệm kỳ tới và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có thêm các tiêu chuẩn:

Thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; không bị chi phối bởi sự can thiệp, sức ép bên ngoài và lợi ích nhóm.

Hiểu biết sâu rộng tình hình đất nước, khu vực và thế giới; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, am hiểu sâu sắc về xã hội.

Có ý thức, trách nhiệm cao, có khả năng đóng góp ý kiến trong việc hoạch định đường lối, chính sách và phát hiện, đề xuất những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận, quyết định.

Là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương. Trường hợp Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong quân đội thì phải kinh qua chức vụ chủ trì cấp quân khu.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,932

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]