Quy định về cấp số, thời gian ban hành văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
10/11/2023 15:30 PM

Cho tôi hỏi việc cấp số, thời gian ban hành văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ ngày 08/11/2023 sẽ được thực hiện như thế nào? – Hoàng Kha (Tây Ninh)

Quy định về cấp số, thời gian ban hành văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Quy định về cấp số, thời gian ban hành văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 08/11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 3666/QĐ-BGDĐT về Quy chế công tác văn thư, lưu trữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quy định về cấp số, thời gian ban hành văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cụ thể tại Điều 18 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 3666/QĐ-BGDĐT năm 2023 quy định về cấp số, thời gian ban hành văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:

(1) Số và thời gian ban hành văn bản được lấy theo thứ tự và trình tự thời gian ban hành văn bản của Bộ GDĐT trong năm (bắt đầu liên tiếp từ số 01 vào ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 hằng năm), số và ký hiệu văn bản là duy nhất trong một năm, thống nhất giữa văn bản giấy và văn bản điện tử.

- Văn bản quy phạm pháp luật được cấp hệ thống số riêng.

- Văn bản hành chính của Bộ GDĐT được đăng ký như sau:

+ Các loại văn bản: Quyết định (cá biệt), quy định, quy chế, hướng dẫn được đăng ký vào một sổ và một hệ thống số.

+ Công văn được đăng ký vào một sổ và một hệ thống số.

+ Các loại văn bản: Chỉ thị, thông cáo, thông báo, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công điện, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận, giấy uỷ quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, phiếu gửi, phiếu chuyển, phiếu báo, thư công được đăng ký vào một sổ và một hệ thống số.

- Các loại văn bản khác được cấp hệ thống số riêng: Văn bản hợp nhất, bản sao văn bản.

- Các Hội đồng, Ban, Tổ của Bộ GDĐT,… (sau đây gọi chung là tổ chức tư vấn) được ghi là “cơ quan ban hành văn bản” và được sử dụng con dấu, chữ ký số của Bộ GDĐT để ban hành văn bản thì lấy hệ thống số riêng.

- Văn bản đi của đơn vị được ghi số, ký hiệu và ngày, tháng, năm theo hệ thống số riêng của đơn vị do Văn thư đơn vị thống nhất quản lý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

(2) Đối với văn bản giấy, việc cấp số, thời gian ban hành được thực hiện sau khi có chữ ký của người có thẩm quyền, chậm nhất là trong ngày làm việc tiếp theo. Văn bản mật được cấp hệ thống số riêng.

(3) Đối với văn bản điện tử, việc cấp số, thời gian ban hành được thực hiện bằng chức năng của Hệ thống E-Office.

Ai có thẩm quyền ký ban hành văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Thẩm quyền ký ban hành văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 15 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 3666/QĐ-BGDĐT năm 2023, cụ thể như sau:

- Thẩm quyền ký ban hành văn bản cấp lãnh đạo Bộ

+ Bộ trưởng có thẩm quyền ký tất cả văn bản do Bộ GDĐT ban hành.

+ Thứ trưởng ký thay Bộ trưởng các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng khi được giao và phải báo cáo Bộ trưởng văn bản đã ký thay (thể hiện tại phần nơi nhận văn bản).

+ Trong trường hợp đặc biệt, Lãnh đạo Bộ có thể ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị ký thừa ủy quyền một số văn bản. Việc giao ký thừa ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản, giới hạn thời gian và nội dung được ủy quyền.

Người được ký thừa ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác ký. Văn bản ký thừa ủy quyền được thực hiện theo thể thức và đóng dấu hoặc ký số của Bộ GDĐT. Nội dung ký thừa ủy quyền phải báo cáo Lãnh đạo Bộ sau khi phát hành (thể hiện tại phần nơi nhận văn bản).

- Thẩm quyền ký ban hành văn bản cấp lãnh đạo đơn vị

+  Bộ trưởng, Thứ trưởng giao Chánh Văn phòng, người đứng đầu đơn vị ký thừa lệnh (TL) một số loại văn bản theo quy định tại các quyết định của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, theo Quy chế làm việc và theo từng văn bản cụ thể.

+ Văn bản ký thừa lệnh (TL) Bộ trưởng phải được Lãnh đạo Bộ phụ trách lĩnh vực phê duyệt về nội dung trước khi ký ban hành. Tất cả các văn bản ký thừa lệnh Bộ trưởng đều phải gửi báo cáo Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực (thể hiện tại phần nơi nhận văn bản).

+ Không được ký thừa lệnh (TL) Bộ trưởng các văn bản hành chính có nội dung mang tính quy phạm pháp luật, quyết định hành chính hoặc sự chỉ đạo bắt buộc thực hiện nếu không được ủy quyền bằng văn bản của Bộ trưởng.

+ Người được ký thừa lệnh được giao lại cho cấp phó của đơn vị ký thay. Văn bản ký thừa lệnh thay phải gửi báo cáo Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực và người đứng đầu đơn vị (thể hiện tại phần nơi nhận văn bản).

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 656

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]