Điều kiện cấp giấy phép xây dựng với công trình trong đô thị năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
15/02/2024 08:30 AM

Cho tôi hỏi điều kiện cấp giấy phép xây dựng với công trình trong đô thị năm 2024 như thế nào? - Vân Thy (Bến Tre)

Điều kiện cấp giấy phép xây dựng với công trình trong đô thị năm 2024

Điều kiện cấp giấy phép xây dựng với công trình trong đô thị năm 2024 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng với công trình trong đô thị năm 2024

Điều kiện cấp giấy phép xây dựng với công trình trong đô thị theo Điều 91 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi tại Luật Kiến trúc 2019) như sau:

- Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị thì phải phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

- Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh.

- Thiết kế xây dựng công trình đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Điều 82 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi tại Luật Kiến trúc 2019):

+ Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định bước thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi tại Luật Kiến trúc 2019) làm cơ sở phê duyệt, trừ trường hợp người quyết định đầu tư có quy định khác tại quyết định đầu tư xây dựng. 

Đối với các bước thiết kế còn lại, chủ đầu tư quyết định việc kiểm soát thiết kế theo quy định tại hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu và quy định của pháp luật có liên quan.

+ Chủ đầu tư thẩm định các nội dung quy định tại Điều 83 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) đối với bước thiết kế sau:

++ Thiết kế FEED trong trường hợp thực hiện hình thức hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình (Engineering - Procurement - Construction, sau đây gọi là hợp đồng EPC);

++ Thiết kế kỹ thuật trong trường hợp thiết kế ba bước;

++ Thiết kế bản vẽ thi công trong trường hợp thiết kế hai bước;

++ Bước thiết kế khác ngay sau bước thiết kế cơ sở trong trường hợp thực hiện thiết kế nhiều bước theo thông lệ quốc tế.

+ Công trình xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 83a Luật Xây dựng 2014 (bổ sung 2020) còn phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều 83a Luật Xây dựng 2014 (bổ sung 2020). Cơ quan thẩm định được mời tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm tham gia thẩm định thiết kế xây dựng.

+ Công trình xây dựng có yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho ý kiến hoặc thẩm duyệt theo quy định của pháp luật có liên quan.

+ Đối với công trình xây dựng quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 82 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi tại Luật Kiến trúc 2019), chủ đầu tư được trình hồ sơ đồng thời đến cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Kết quả thực hiện yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường quy định tại khoản 4 Điều 82 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi tại Luật Kiến trúc 2019) được gửi đến cơ quan chuyên môn về xây dựng làm cơ sở kết luận thẩm định.

+ Công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng thẩm tra thiết kế xây dựng về nội dung an toàn công trình, sự tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho việc thẩm định.

+ Chủ đầu tư có trách nhiệm tổng hợp văn bản của cơ quan chuyên môn về xây dựng và các cơ quan, tổ chức có liên quan; thực hiện các yêu cầu (nếu có); phê duyệt thiết kế xây dựng theo quy định tại khoản 8 Điều 82 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi tại Luật Kiến trúc 2019).

+ Chủ đầu tư phê duyệt bước thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi tại Luật Kiến trúc 2019). Chủ đầu tư được quyết định về việc phê duyệt đối với các bước thiết kế còn lại.

+ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thẩm quyền, trình tự thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng phù hợp yêu cầu đặc thù quản lý ngành đối với công trình xây dựng phục vụ quốc phòng, an ninh.

- Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng phù hợp với từng loại giấy phép theo quy định tại các Điều 95, 96 và 97 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020).

2. Nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng 

Nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng theo Điều 90 Luật Xây dựng 2014 như sau:

- Tên công trình thuộc dự án.

- Tên và địa chỉ của chủ đầu tư.

- Địa điểm, vị trí xây dựng công trình; tuyến xây dựng công trình đối với công trình theo tuyến.

- Loại, cấp công trình xây dựng.

- Cốt xây dựng công trình.

- Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.

- Mật độ xây dựng (nếu có).

- Hệ số sử dụng đất (nếu có).

- Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp, nhà ở riêng lẻ, ngoài các nội dung quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 90 Luật Xây dựng 2014 còn phải có nội dung về tổng diện tích xây dựng, diện tích xây dựng tầng 1 (tầng trệt), số tầng (bao gồm cả tầng hầm, tầng áp mái, tầng kỹ thuật, tum), chiều cao tối đa toàn công trình.

- Thời hạn khởi công công trình không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 468

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]