Khách du lịch là gì? Có bao nhiêu loại khách du lịch?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
16/02/2024 14:30 PM

Cho tôi hỏi khách du lịch được định nghĩa như thế nào? Có bao nhiêu loại khách du lịch theo quy định hiện hành? – Mỹ Hòa (Tây Ninh)

Khách du lịch là gì? Có bao nhiêu loại khách du lịch?

Khách du lịch là gì? Có bao nhiêu loại khách du lịch? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Khách du lịch là gì? Có bao nhiêu loại khách du lịch?

Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến.

Trong đó, khách du lịch được chia thành 03 loại:

(i) Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam.

(ii) Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch.

(iii) Khách du lịch ra nước ngoài là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

(Khoản 2 Điều 3 và Điều 10 Luật Du lịch 2017)

Khách du lịch có các quyền và nghĩa vụ như thế nào?

Các quy định về quyền và nghĩa vụ của khách du lịch được nêu cụ thể tại Điều 11 và Điều 12 Luật Du lịch 2017 như sau:

(1) Về quyền

- Sử dụng dịch vụ du lịch do tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch cung cấp hoặc tự đi du lịch.

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch cung cấp thông tin về chương trình, dịch vụ, điểm đến du lịch theo hợp đồng đã ký kết.

- Được tạo điều kiện thuận lợi về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, hải quan, lưu cư trú, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp theo hợp đồng đã giao kết với tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp dịch vụ du lịch.

- Được đối xử bình đẳng; được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản khi sử dụng dịch vụ du lịch; được tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp.

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về du lịch.

- Kiến nghị với tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch.

- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

(2) Về nghĩa vụ

- Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến du lịch; ứng xử văn minh, tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương, bảo vệ và giữ gìn tài nguyên du lịch, môi trường du lịch; không gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam.

- Thực hiện nội quy của khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch.

- Thanh toán tiền dịch vụ theo hợp đồng, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

- Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch bao gồm:

- Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

- Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật.

- Xâm hại tài nguyên du lịch, môi trường du lịch.

- Phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch; tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ.

- Kinh doanh du lịch khi không đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh hoặc không duy trì điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động theo quy định của Luật Du lịch 2017 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành khác hoặc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh.

- Hành nghề hướng dẫn du lịch khi không đủ điều kiện hành nghề.

- Quảng cáo không đúng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; quảng cáo về loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật khác có liên quan.

(Điều 9 Luật Du lịch 2017)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,833

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]