Yêu cầu có kế hoạch cụ thể đối với các lĩnh vực liên quan đến sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
28/02/2024 11:49 AM

Xin cho tôi hỏi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải có kế hoạch cụ thể đối với các lĩnh vực liên quan đến sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế có đúng không? - Nguyệt Nhi (Hà Giang)

Yêu cầu có kế hoạch cụ thể đối với các lĩnh vực liên quan đến sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 23/02/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 194/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Yêu cầu có kế hoạch cụ thể đối với các lĩnh vực liên quan đến sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế

Với mục tiêu triển khai thực hiện và hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt với Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF), sớm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách rà soát tăng cường (Danh sách Xám) trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia.

Kế hoạch đưa ra 17 hành động cụ thể để thực hiện cam kết. Trong đó, đáng chú ý là hành động: Chứng minh rằng các cơ quan có thẩm quyền đã nâng cao hiểu biết về rủi ro rửa tiền/tài trợ khủng bố và đang thực hiện các hành động để giảm thiểu rủi ro thông qua các chiến lược và chính sách phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố .

Chính phủ yêu cầu có kế hoạch cụ thể đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như liên quan đến sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế, sử dụng vàng để mua bán bất động sản, tham nhũng. Theo đó, cần tập trung phân phối nguồn lực (thành lập tổ, đội, điều tra tội rửa tiền và điều tra tội phạm nguồn có rủi ro cao).

Giao Ngân hàng nhà nước có kế hoạch liên quan đến việc sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.

- Bộ Xây dựng có kế hoạch liên quan đến sử dụng vàng để mua bán bất động sản.

- Bộ Công an điều tra tội phạm nguồn có nguy cơ rửa tiền cao, trung bình cao.

Đồng thời, các bộ, ngành có liên quan phối hợp triển khai theo lĩnh vực quản lý và chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu thực hiện những hành động sau đây:

- Thực hiện thêm đánh giá rủi ro đối với các tội phạm nguồn có nguy cơ rửa tiền cao được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương, như tội phạm môi trường và tội lạm dụng tình dục.

- Hoàn thành đánh giá rủi ro ngành về rửa tiền trong lĩnh vực casino, kinh doanh trò chơi có thưởng, tài sản ảo, pháp nhân và thỏa thuận pháp lý.

- Chứng minh các đánh giá rủi ro sử dụng phương pháp luận toàn diện và thông tin đầu vào phù hợp: Nguồn thông tin đa dạng bao gồm Báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR), số liệu tội phạm, phân tích tình báo, phân tích chiến lược, nghiên cứu báo cáo trong nước và quốc tế, đặc biệt có sự tham gia của khu vực tư nhân.

- Báo cáo về việc thực hiện đánh giá rủi ro về tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

- Cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ Công an liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các công việc Bộ Công an đã và đang triển khai nhằm tập trung vào tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

-  Chia sẻ kết quả đánh giá rủi ro /tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt với các quốc gia khác.

- Tăng cường hệ thống công nghệ thông tin nhằm giảm thiểu các rủi ro đã được xác định (nâng cao chất lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ, thông tin tình báo tài chính kịp thời và chất lượng, tăng cường sự phối hợp và phản hồi...).

Xem thêm nội dung tại Quyết định 194/QĐ-TTg ban hành ngày 23/02/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 845

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]