1. Hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu đối với gói thầu EPC
Thông tư 11/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành có hiệu lực từ ngày 01/10/2016, theo đó:
- Thông tư này hướng dẫn việc lập hồ sơ mời thầu EPC đối với gói thầu của dự án thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Luật đấu thầu năm 2013.
- Đối với các gói thầu EPC sử dụng vốn ODA, nếu được các nhà tài trợ chấp thuận thì vẫn được áp dụng Mẫu hồ sơ mời thầu ban hành kèm theo Thông tư này.
- Quy định về nguyên tắc áp dụng mẫu hồ sơ mời thầu và thuế, phí, lệ phí đối với gói thầu EPC.
Ngoài ra, ban hành kèm theo Thông tư 11/2016/TT-BKHĐT là sơ đồ chi tiết quy trình thực hiện và những mẫu hồ sơ mời thầu đối với gói thầu EPC.
2. Tăng mức bồi dưỡng thành viên trong phiên điều trần vụ việc cạnh tranh
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 35/2016/QĐ-TTg quy định về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Hội đồng cạnh tranh và người tiến hành, người tham gia tố tụng cạnh tranh.
Theo đó, tăng mức bồi dưỡng đối với người tiến hành tố tụng cạnh tranh và người tham gia tố tụng cạnh tranh tại phiên điều trần so với quy định tại Quyết định 82/2010/QĐ-TTg , cụ thể:
- Chủ tọa phiên điều trần được bồi dưỡng 150.000 đồng/ngày.
- Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Điều tra viên; người giám định, người làm chứng được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mời, triệu tập được bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày.
- Người phiên dịch được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mời đến phiên dịch tại phiên điều trần được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định về chi phí dịch thuật.
- Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng được Hội đồng Cạnh tranh mời tham gia phiên điều trần được thanh toán chi phí đi lại.
Ngoài ra, đối với người tham gia tọa đàm, họp xử lý vụ việc cạnh tranh và giải quyết khiếu nại đều được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định tại Quyết định này.
Quyết định 35/2016/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 10/10/2016.
3. Quyền được cung cấp dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, đảo
Thông tư 20/2016/TT-BTNMT quy định về xây dựng, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/10/2016.
Theo đó, tổ chức, cá nhân được quyền khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, hải đảo thông qua hình thức:
- Mạng điện tử.
- Hình thức hợp đồng.
- Phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu cung cấp dữ liệu.
Việc khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, hải đảo qua mạng điện tử được thực hiện bằng các cách thức sau đây:
- Cung cấp mã truy cập một lần.
- Chỉ dẫn địa chỉ truy cập để tải dữ liệu.
- Gửi tập tin đính kèm thư điện tử.
Việc khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu bằng hình thức hợp đồng thực hiện theo thỏa thuận giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu với tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của pháp luật.
Việc khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, hải đảo thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu cung cấp dữ liệu được thực hiện như sau:
- Theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Trường hợp pháp luật chuyên ngành chưa có quy định thì thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư 20/2016/TT-BTNMT .
4. Quy định tiêu chuẩn các ngạch thanh tra viên quốc phòng
Đây là nội dung của Quyết định 31/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn các ngạch thanh tra viên quốc phòng có hiệu lực từ ngày 10/10/2016.
Theo đó, quy định tiêu chuẩn ngạch thanh tra viên Quốc phòng bao gồm thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp.