1. Thời hạn cập nhập thông tin dự án đầu tư công
Thông tư 13/2016/TT-BKHĐT quy định về chế độ báo cáo trực tuyến và quản lý vận hành Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 20/11/2016. Theo đó:
Phải cập nhật vào Hệ thống thông tin nghiệp vụ tại địa chỉ https://dautucong.mpi.gov.vn chậm nhất là 7 ngày làm việc kể từ khi có điều chỉnh hoặc phát sinh các thông tin sau:
- Phê duyệt điều chỉnh dự án;
- Phê duyệt, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công và dự toán;
- Phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch, kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng;
- Kế hoạch vốn được cấp;
- Giá trị nghiệm thu, giá trị giải ngân;
- Thông tin về đánh giá, kiểm tra.
Ngoài ra, các thông tin phải cập nhật định kỳ hằng tháng bao gồm: Khối lượng thực hiện tại hiện trường; thông tin hình ảnh hoặc phim về hiện trạng thi công tại hiện trường đối với dự án có cấu phần xây dựng.
2. Hướng dẫn mới về lập hồ sơ mời thầu theo hình thức PPP
Từ ngày 15/11/2016, Thông tư 15/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn lập hồ sơ mời sơ tuyển, mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu có hiệu lực. Theo đó:
Ban hành mẫu hồ sơ mời sơ tuyển, mời thầu lựa chọn nhà đầu tư (mẫu 01, mẫu 02) áp dụng cho dự án đầu tư theo hình thức PPP quan trọng quốc gia, nhóm A và nhóm B đã thực hiện sơ tuyển.
Cách áp dụng các mẫu hồ sơ nêu trên như sau:
Đối với dự án không thực hiện sơ tuyển và dự án nhóm C, hồ sơ mời thầu được lập dựa vào Mẫu 02, có bổ sung nội dung yêu cầu về đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư tại Mẫu 01.
Nếu người có thẩm quyền áp dụng mẫu sơ tuyển, hồ sơ mời sơ tuyển và mời thầu được lập trên cơ sở vận dụng Mẫu 01 và 02.
Còn dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu thì hồ sơ được lập dựa vào Mẫu 02, trường hợp chỉ định thầu do chỉ có 01 nhà đầu tư có khả năng thực hiện thì bổ sung thêm nội dung đánh giá năng lực, kinh nghiệm của Mẫu 01.
3. Chỉ số gây thiệt hại đến sức khỏe đối với ô nhiễm biển
Thông tư 26/2016/TT-BTNMT quy định tiêu chí phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo và hướng dẫn phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/11/2016.
Theo đó, tiêu chí về khả năng gây thiệt hại đến sức khỏe con người đối với các ô biển được xác định như sau:
- Tuyến hàng hải; khu cảng dầu khí ngoài khơi; khu vực có hoạt động nhận chìm chất nạo vét, bùn thải: 4,0 Isk
- Khu vực có hoạt động nhận chìm carbon dioxide (CO2), các chất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên, các chất địa chất trơ và chất vô cơ: 2,0 Isk
- Khu vực có các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu, hóa chất độc; có hoạt động nhận chìm các chất thải từ thủy sản hoặc các chất thải phát sinh từ hoạt động chế biến thủy sản: 3,0 Isk
- Các khu vực, loại hình hoạt động khác trong ô biển: 0,1 Isk
4. Quy trình lập danh mục văn bản hướng dẫn luật của NHNN
Từ ngày 15/11/2016, Thông tư 27/2016/TT-NHNN hướng dẫn trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của NHNN Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, quy trình lập danh mục văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh do NHNN chủ trì soạn thảo như sau:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày luật, pháp lệnh được thông qua, Vụ Pháp chế phải rà soát, lập dự thảo danh mục văn bản quy định chi tiết theo Điểm a, b Khoản 1 Điều 28 Nghị định 34/2016/NĐ-CP ;
- Dự thảo phải dự kiến phân công đơn vị chủ trì soạn thảo và gửi lấy ý kiến các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước;
- Đơn vị được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị tham gia ý kiến;
- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày luật, pháp lệnh được thông qua, Vụ Pháp chế nghiên cứu tiếp thu và hoàn thiện dự thảo danh mục văn bản quy định chi tiết trình Thống đốc ký gửi Bộ Tư pháp.