File Word toàn bộ Nghị định có hiệu lực đầu tháng 9/2019 |
1. Từ 01/9/2019: Quán karaoke không được hoạt động sau 12 giờ đêm
Đây là điểm mới quy định tại Nghị định 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
Theo đó, doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke:
- Không được hoạt động từ 00 giờ sáng đến 08 giờ sáng.
- Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hoặc thiết bị báo động (trừ thiết bị báo cháy nổ).
Như vậy, so với hiện hành thì quy định mới đã bỏ luôn trường hợp cho phép phòng karaoke trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 4 sao trở lên hoặc hạng cao cấp được hoạt động sau 12 giờ đêm nhưng không quá 2 giờ sáng.
2. Sửa thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa
Đây là nội dung quan trọng tại Nghị định 62/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/9/2019) sửa đổi Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Theo đó, sửa đổi quy định về thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa như sau:
- Đối tượng có nhu cầu chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa sẽ gửi 01 bản đăng ký theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 62 này đến UBND cấp xã;
(Hiện hành là gửi mẫu theo Phụ lục IA ban hành kèm Thông tư 19/2017/TT-BNNPTNT )
- Trường hợp bản đăng ký không hợp lệ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, UBND cấp xã phải hướng dẫn cho người sử dụng đất (NSDĐ) chỉnh sửa, bổ sung bản đăng ký;
- Nếu bản đăng ký hợp lệ và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong 05 ngày làm việc, UBND cấp xã có ý kiến “Đồng ý cho chuyển đổi”, đóng dấu vào bản đăng ký, vào sổ theo dõi và gửi lại cho NSDĐ;
- Trường hợp không đồng ý, UBND cấp xã phải trả lời bằng văn bản theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm Nghị định 62 này.
(Hiện hành không quy định thời gian 03 hoặc 05 ngày làm việc như trên và trong trường hợp không đồng ý thì sử dụng mẫu IIA ban hành kèm Thông tư 19).
3. Mức phạt vi phạm quy định về xả nước thải vào công trình thủy lợi
Nội dung này được quy định tại Nghị định 65/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 104/2017/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.
Theo đó, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu hoạt động sai nội dung quy định trong mỗi loại giấy phép sau:
- Xả nước thải vào công trình thủy lợi;
- Xây dựng công trình mới trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;
- Nổ mìn và các hoạt động gây nổ khác trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Ngoài ra, với các hành vi nêu trên người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn từ 01 - 03 tháng.
Nghị định này có hiệu lực ngày 09/9/2019.
4. 03 mức phạt vi phạm hành chính về cho mượn tài sản công
Theo Nghị định 63/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/9/2019) về xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước thì:
Mức phạt tiền với hành vi cho mượn, sử dụng tài sản công không đúng quy định (cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tài sản công không phân biệt có hay không có hợp đồng cho mượn, không phân biệt thời hạn cho mượn) như sau:
- Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
- Từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.
5. Nghị định 64/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ có hiệu lực từ ngày 05/9/2019.