1. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp giảm còn 50.000 đồng/lần
Đây là nội dung mới tại Thông tư 47/2019/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp (Cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp,..) giảm từ 100.000 đồng/lần theo quy định hiện hành xuống còn 50.000 đồng/lần.
Ngoài ra, phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp cũng giảm xuống còn 100.000 đồng/lần, thay vì mức thu 300.000 đồng/lần như hiện nay.
Mức thu phí cung cấp thông tin doanh nghiệp như: Cung cấp thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện,...được giữ nguyên như hiện hành.
Thông tư 47/2019/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/9/2019, đồng thời bãi bỏ Thông tư 215/2016/TT-BTC ngày 10/11/ 2016 và Thông tư 130/2017/TT-BTC ngày 04/12/2017.
2. Bảng lương công chức chuyên ngành văn thư áp dụng từ 20/9/2019
Thông tư 10/2019/TT-BNV hướng dẫn việc xếp lương đối với ngạch công chức chuyên ngành văn thư có hiệu lực từ ngày 20/9/2019.
Theo đó, áp dụng Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP đối với các ngạch công chức chuyên ngành văn thư quy định tại Thông tư 14/2014/TT-BNV ngày 31/10/2014, cụ thể là:
- Ngạch văn thư chính (mã số 02.006) áp dụng bảng lương công chức loại A2 (nhóm 1);
- Ngạch văn thư (mã số 02.007) áp dụng bảng lương công chức loại A1;
- Ngạch văn thư trung cấp (mã số 02.008) áp dụng bảng lương công chức loại B.
Nếu công chức được tuyển dụng vào vị trí việc làm có yêu cầu ngạch công chức tương ứng là ngạch văn thư trung cấp nhưng có trình độ cao đẳng trở lên thì bổ nhiệm vào ngạch văn thư trung cấp và áp dụng bảng lương của công chức loại B.
3. Hướng dẫn về thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ của Ngân hàng nhà nước
Thông tư 09/2019/TT-NHNN về chế độ báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam hướng dẫn cụ thể thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ như sau:
- Báo cáo định kỳ hằng tháng: Tính từ ngày 15 tháng trước đến ngày 14 của tháng thuộc kỳ báo cáo.
- Báo cáo định kỳ hằng quý: Tính từ ngày 15 của tháng trước kỳ báo cáo đến ngày 14 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo.
- Báo cáo định kỳ 6 tháng:
+ Thời gian chốt số liệu 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo.
+ Thời gian chốt số liệu 6 tháng cuối năm được tính từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.
- Báo cáo định kỳ hằng năm: Tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.
- Với các báo cáo không chốt được số liệu theo thời hạn trên, đơn vị xây dựng chế độ báo cáo chọn thời điểm chốt số liệu gần nhất với thời hạn chốt số liệu kỳ báo cáo tương ứng và đảm bảo thời hạn gửi báo cáo.
Thông tư 09/2019/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 16/9/2019.
4. 02 trường hợp được xem xét hoàn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Nghị định 67/2019/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quy định 02 trường hợp được hoàn trả lại tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, bao gồm:
- Trường hợp trả lại toàn bộ mỏ, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do tổ chức, cá nhân đã nộp đối với trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác, nhưng chưa tiến hành khai thác hoặc khai thác chưa hết sản lượng theo tiến độ nộp tiền cấp phép khai thác.
- Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi giấy phép theo Điểm d Khoản 1 Điều 58 Luật khoáng sản thì tổ chức, cá nhân được hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Nghị định 67/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9/2019.