1. Các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập công động với người mãn hạn tù
Ngày 17/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng.
Theo đó, quy định các biện pháp bảo đảm tải hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù như:
- Thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng: Thông qua một số hình thức như sách, báo, các buổi nói chuyện, phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền nhằm:
+ Định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù;
+ Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù.
- Trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý:
+ Trợ giúp về tâm lý nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng và phòng tránh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật;
+ Hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết khi là người tham gia tố tụng hình sự; là đương sự tham gia tố tụng dân sự, hành chính…
Xem thêm chi tiết tại Nghị định 49/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/6/2020.
2. 04 hành vi bị nghiêm cấm khi đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn
Ngày 27/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn.
Theo đó, quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn bao gồm:
- Xây dựng và kinh doanh sân gôn khi chưa đáp ứng điều kiện, thủ tục quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
- Lợi dụng kinh doanh sân gôn để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc, gá bạc trái phép.
- Cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Không cung cấp thông tin hoặc không báo cáo khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
3. Quy trình tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ
Nghị định 50/2020/NĐ-CP quy định quy trình tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ gồm:
(1) Chuẩn bị tiếp nhận viện trợ:
- Không quá 01 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận thông tin của Bên viện trợ, cơ quan chủ quản giao một đơn vị trực thuộc làm chủ khoản viện trợ.
- Chủ khoản viện trợ phối hợp với Bên viện trợ để thống nhất về hình thức viện trợ, giá trị khoản viện trợ, số lượng và giá trị phân bổ, cách thức và địa điểm tiếp nhận và các nội dung khác liên quan.
(2) Phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ
(3) Thực hiện tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ:
Sau khi việc tiếp nhận viện trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ khoản viện trợ thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Thông báo cho Bên viện trợ về quyết định tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Trình cơ quan chủ quản ban hành văn bản thông báo tới các cơ quan liên quan để phối hợp tiếp nhận viện trợ;
- Thông báo cho các cơ quan, địa phương có liên quan về kế hoạch hoạt động đối với viện trợ khẩn cấp để cứu trợ bằng hình thức cung cấp chuyên gia và động vật hỗ trợ đi cùng;
- Đối với các khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ bằng hàng hóa: Chủ khoản viện trợ thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành và các thủ tục hải quan để thông quan hàng hóa theo quy định của pháp luật…