1. Bổ sung Danh mục chi tiết theo mã HS của hàng hóa xuất nhập khẩu
Thông tư 41/2019/TT-BCT bổ sung Danh mục chi tiết mã số HS đối với các hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sau:
- Thóc, gạo xuất khẩu quy định tại Thông tư 30/2018/TT-BCT ngày 01/10/2018;
- Tinh dầu xá xị tạm nhập, tái xuất quy định tại Thông tư 10/2011/TT-BCT ngày 30/3/2011;
- Kim cương thô quy định tại Thông tư liên tịch 14/2009/TTLT-BCT-BTC ngày 23/6/2009;
- Xăng, dầu quy định tại Thông tư 38/2014/TT-BCT ngày 24/10/2014;
- Khoáng sản xuất khẩu quy định tại Phụ lục 1 Thông tư 12/2016/TT-BCT ngày 05/7/2016;
- Nguyên liệu thuốc lá, giấy cuốn điều thuốc lá quy định tại Thông tư 57/2018/TT-BCT ngày 26/12/2018;
- Máy móc, thiết bị chuyên ngành thuốc lá quy định tại Phụ lục 72 Thông tư 57/2018/TT-BCT ngày 26/12/2018;
- Than xuất khẩu quy định tại Phụ lục I Thông tư 15/2013/TT-BCT ngày 15/7/2013.
Xem chi tiết tại các Phụ lục được ban hành kèm Thông tư 41/2019/TT-BCT (có hiệu lực từ ngày 29/01/2020).
2. Hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp
Theo Thông tư 17/2019/TT-BKHCN của Bộ KH&CN, việc đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp sử dụng phương pháp định lượng theo thang điểm chung 100 điểm cho tổng số 26 tiêu chí, chia thành 05 nhóm sau:
- Nhóm hiện trạng thiết bị, công nghệ (Nhóm T, tối đa 30 điểm);
- Nhóm hiệu quả khai thác công nghệ (Nhóm E, tối đa 20 điểm);
- Nhóm năng lực tổ chức - quản lý (Nhóm O, tối đa 19 điểm);
- Nhóm năng lực nghiên cứu, phát triển (Nhóm R, tối đa 17 điểm);
- Nhóm năng lực đổi mới sáng tạo (Nhóm I, tối đa 14 điểm).
Xem chi tiết tại Thông tư 17/2019/TT-BKHCN (có hiệu lực từ ngày 25/01/2020).
3. Cấm đưa tiền, vàng vào nơi chấp hành án phạt tù trong quân đội
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 184/2019/TT-BQP quy định đồ vật cấm và việc thu giữ, xử lý đồ vật cấm đưa vào nơi chấp hành án phạt tù.
Theo đó, cấm đưa tiền Việt Nam, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý, thẻ ATM, các loại thẻ thanh toán bằng hình thức điện tử cho các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam trong quân đội.
Ngoài ra, một số đồ vật sau cũng bị cấm đưa vào trại giam, trại tạm giam trong quân đội:
- Các loại vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ;
- Công cụ hỗ trợ;
- Các loại máy ghi âm, máy ghi hình, máy nghe, nhìn, đồng hồ, điện thoại di động, bộ đàm và các loại máy thu phát tín hiệu khác trừ những thiết bị y tế theo chỉ định của cơ quan y tế có thẩm quyền;
- Rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá các loại, thuốc lào, xì gà, trà, cà phê và các chất kích thích khác; …
Thông tư 184/2019/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 22/01/2020.
4. Đối tượng được thăm gặp phạm nhân đang chấp hành án phạt tù trong quân đội
Ngày 04/12/2019, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 182/2019/TT-BQP quy định về việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư, nhận quà và liên lạc với thân nhân bằng điện thoại.
Theo đó, đối tượng được thăm gặp phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam trong Quân đội bao gồm:
- Ông, bà nội; ông, bà ngoại;
- Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp;
- Vợ hoặc chồng;
- Con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp;
- Anh, chị, em ruột; anh, chị, em dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng);
- Cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột.
Số lượng thân nhân mỗi lần đến thăm gặp phạm nhân không quá 03 người.
Ngoài ra, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác được thăm gặp phạm nhân nếu Thủ trưởng cơ sở giam giữ xét thấy phù hợp với yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm và công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân.
Thông tư 182/2019/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 22/01/2020.