1. Bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Từ 12/12/2014, việc bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thực hiện theo Thông tư 159/2014/TT-BTC. Cụ thể như sau:
- Tài sản là vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật chuyển giao cho Bảo tàng nhà nước cấp tỉnh nơi có tang vật, phương tiện để bảo quản;
- Tài sản là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng và tài sản khác liên quan đến quốc phòng, an ninh chuyển giao cho Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Công an cấp tỉnh nơi có tang vật, phương tiện để bảo quản;
- Tài sản là tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý chuyển giao cho Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh hoặc cấp huyện để bảo quản;
- Tài sản là bộ phận của động vật rừng quý hiếm thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm sẽ chuyển giao cho cơ quan Dự trữ nhà nước được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ để bảo quản;
- Tài sản là lâm sản quý hiếm không sử dụng vào mục đích thương mại, chuyển giao cho cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh hoặc huyện để bảo quản.
Thông tư này hướng dẫn Nghị định 29/2014/NĐ-CP về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước.
2. Phạt đến 15 triều đồng nếu để máy ATM hết tiền
Từ 12/12/2014, Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng bắt đầu có hiệu lực.
Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với các vi phạm quy định về hoạt động thẻ ngân hàng như:
- Không đảm bảo máy ATM phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định;
- Không báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh cấp tỉnh trên địa bàn và thông báo rộng rãi cho khách hàng trong trường hợp máy ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ;
- Lắp đặt, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động của máy ATM không đúng quy định;
- Không duy trì hoạt động bộ phận hỗ trợ khách hàng để khách hàng liên hệ được bất cứ lúc nào.
Nghị định này thay thế Nghị định 202/2004/NĐ-CP và 95/2011/NĐ-CP.
3. Hỗ trợ tiền điện cho Hộ chính sách xã hội
Theo Quyết định 60/2014/QĐ-TTg thì hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg phải là hộ có một trong những tiêu chí sau:
- Hộ có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng không thuộc diện hộ nghèo theo quy định của pháp luật và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 KWh ở vùng có điện lưới;
- Hộ có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật sống ở vùng chưa có điện lưới;
- Hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng chưa có điện lưới.
Hộ chính sách xã hội có một trong những tiêu chí trên được hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện từ ngày 01/6/2014.
Nếu hộ có nhiều thành viên hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng hoặc được hỗ trợ tiền điện theo các chính sách khác nhau thì chỉ được hưởng một mức hỗ trợ tiền điện cao nhất.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2014.
4. Bổ sung quy định xử phạt trong hoạt động khoa học và công nghệ
Từ 15/12/2014, phạt hành chính đối với vi phạm quy định về đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ công lập được áp dụng theo Nghị định 93/2014/NĐ-CP.
Áp dụng mức phạt từ 5 – 10 triệu đồng đối với cá nhân; từ 10 – 20 triệu đồng đối với tổ chức đánh giá độc lập có một trong các hành vi sau:
- Thực hiện đánh giá, xếp hạng không đúng phương pháp, tiêu chí đánh giá;
- Thực hiện đánh giá, xếp hạng không trung thực, không khách quan hoặc không đúng pháp luật;
- Không công khai kết quả đánh giá, xếp hạng theo quy định của pháp luật.
5. Các trường hợp đình chỉ hoạt động của công-te-nơ
Từ 15/12/2014, Thông tư 49/2014/TT-BGTVT về kiểm tra an toàn công-te-nơ được vận chuyển qua cảng biển Việt Nam có hiệu lực.
Theo đó, công-te-nơ bị đình chỉ hoạt động trong các trường hợp sau:
- Công-te-nơ không gắn hoặc gắn Biển chứng nhận an toàn công-te-nơ không đúng quy cách;
- Công-te-nơ không được kiểm tra, bảo dưỡng đúng hạn;
- Công-te-nơ bị hư hỏng, có nguy cơ gây mất an toàn theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm tra và chế tạo công-te-nơ vận chuyển trên các phương tiện vận tải.
Khi công-te-nơ bị đình chỉ hoạt động, chủ công-te-nơ phải thực hiện các nghĩa vụ:
- Sửa chữa, khắc phục khiếm khuyết, khôi phục tình trạng an toàn của công-te-nơ;
- Gửi kết quả hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục đến Cảng vụ hàng hải khu vực trước khi đưa công-te-nơ vào hoạt động;
- Nếu công-te-nơ được đưa ra cảng biển nước ngoài sửa chữa, chủ công-te-nơ phải thông báo cho Cảng vụ hàng hải khu vực.
6. Trường hợp miễn ghi nhãn phụ thực phẩm
Từ ngày 19/12/2014, việc ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn được thực hiện theo Thông tư liên tịch 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT .
Theo đó, miễn ghi nhãn phụ đối với thực phẩm trong một số trường hợp sau:
- Thực phẩm mang theo người nhập cảnh để tiêu dùng cá nhân trong định mức được miễn thuế nhập khẩu;
- Thực phẩm trong túi ngoại giao, túi lãnh sự;
- Thực phẩm tạm nhập tái xuất, thực phẩm quá cảnh, chuyển khẩu;
- Thực phẩm gửi kho ngoại quan;
- Thực phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu;
- Thực phẩm là mẫu trưng bày hội chợ, triển lãm;
- Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì chứa đựng thực phẩm, nhập khẩu về để sản xuất nội bộ không bán ra thị trường, chỉ vận chuyển nội bộ giữa các kho từ tỉnh này qua tỉnh khác thuộc cùng một Hệ thống trong doanh nghiệp.