1. Chính phủ vừa thông qua 03 dự án Luật vào tháng 8/2017
Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Nghị quyết 83/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2017 được ban hành vào ngày 31/8/2017.
Theo đó, thông qua 03 dự án Luật sau đây:
- Dự án Luật cạnh tranh (sửa đổi);
- Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi, bổ sung);
- Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Ngoài ra, Nghị quyết 83/NQ-CP còn thông qua các đề nghị xây dựng dự án Luật, Nghị định, cụ thể đối với:
- Dự án Luật chứng khoán (sửa đổi);
- Nghị định quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước;
- Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội.
2. Hướng dẫn chuyển xếp lương với công nhân quốc phòng
Ngày 10/10/2017, Thông tư 207/2017/TT-BQP hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương đối với công nhân quốc phòng bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, căn cứ vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, việc xếp bậc lương được thực hiện cụ thể như sau:
- Đối với các hệ số lương từ 3,95 trở xuống thì cứ sau 2 năm (đủ 24 tháng) sẽ được xếp lên 1 bậc lương;
- Đối với các hệ số lương trên 3,95 thì cứ sau 3 năm (đủ 36 tháng) sẽ được xếp lên 1 bậc lương.
Trường hợp đã xếp lương bậc 10/10 trong loại, nhóm lương mới mà thời gian có đóng BHXH bắt buộc còn từ đủ 36 tháng trở lên thì được xếp hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung; cụ thể:
- Đủ 36 tháng được tính 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong loại, nhóm;
- Đủ 12 tháng tiếp theo tính thêm 1%.
Đồng thời, tại Khoản 5 Điều 4 của Thông tư 207/2017/TT-BQP của Bộ Quốc phòng cũng hướng dẫn rõ việc chuyển xếp lương đối với công nhân quốc phòng được tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp.
3. Điều kiện dự thi thăng hạng lên giảng viên hạng II
Đây là nội dung đáng chú ý tại Công văn 3847/BGDĐT-NGCBQLGD về tổ chức thi thăng hạng CDNN giảng viên cao cấp (hạng I), giảng viên chính (hạng II) năm 2017 được ban hành vào ngày 22/08/2017.
Theo đó, đề cập rõ về thời gian giữ ngạch/hạng giảng viên (mã số: 15.111 hoặc V.07.01.03) hoặc tương đương; cụ thể, viên chức dự thi phải có thời gian tối thiểu là:
- 09 năm (đủ 108 tháng) đối với người có bằng thạc sĩ;
- 06 năm (đủ 72 tháng) đối với người có bằng tiến sĩ.
Trong đó, thời gian gần nhất giữ ngạch giảng viên, mã số: 15.111 hoặc hạng CDNN giảng viên, mã số: V.07.01.03 tối thiểu là 02 năm (đủ 24 tháng) tính đến hết ngày 30/9/2017.
Công văn cũng đề cập thêm đối với tiêu chuẩn về văn bằng, chứng chỉ: Hội đồng thi chỉ chấp nhận trường hợp có văn bằng (hoặc Quyết định công nhận tốt nghiệp và cấp bằng của cơ sở đào tạo), chứng chỉ yêu cầu.
4. Hồ sơ vay vốn hỗ trợ tạo việc làm của cơ sở sản xuất
Thông tư 24/2017/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về Quỹ quốc gia về việc làm quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015.
Theo đó, cơ sở sản xuất có từ 30% tổng lao động trở lên là dân tộc thiểu số có thể nộp bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của người lao động thay cho bản sao CMND/hộ chiếu trong hồ sơ vay vốn hỗ trợ tạo việc làm.
Cụ thể, thành phần hồ sơ bao gồm:
- Danh sách lao động là người dân tộc thiểu số;
- Bản sao CMND hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của người lao động;
- Bản sao hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng của người lao động.
Thông tư 24/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/10/2017.