1. Chấn chỉnh việc sử dụng sách giáo khoa tại các trường phổ thông
Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị 3798/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ sách được sử dụng lại nhiều lần, yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương:
- Quán triệt đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh việc giữ gìn, bảo quản SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền;
- Hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở; không viết, vẽ vào SGK;
- Kiểm tra, xử lý nghiêm cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo khiến cho học sinh mua quá nhiều nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.
Xem nội dung chi tiết tại Chỉ thị 3798/CT-BGDĐT ngày 24/9/2018.
2. Bổ sung quy định về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng vi phạm
Nội dung đáng chú ý này được nêu tại Quy định 07-QĐi/TW về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng vi phạm.
Theo đó, ngoài 08 nguyên tắc xử lý kỷ luật như Quy định trước đây thì Quy định 07 đã bổ sung thêm nguyên tắc thứ 09 trong việc xử lý kỷ luật như sau:
Nếu tổ chức Đảng bị kỷ luật đã sáp nhập, chia tách hoặc kết thúc hoạt động thì việc công bố quyết định kỷ luật được thực hiện ở tổ chức Đảng cấp trên trực tiếp của tổ chức Đảng đó.
Đồng thời, bổ sung quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với tổ chức Đảng vi phạm như sau:
- 05 năm đối với những vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
- 10 năm đối với những vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với những vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức giải tán; vi phạm về chính trị nội bộ; về an ninh, quốc phòng, đối ngoại xâm hại đến lợi ích quốc gia.
Quy định 07-QĐi/TW có hiệu lực từ ngày 28/8/2018 và thay thế Quy định 263-QĐ/TW năm 2014.
3. Bãi bỏ 09 văn bản QPPL trong lĩnh vực quốc phòng
Ngày 24/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 129/2018/NĐ-CP bãi bỏ 09 văn bản QPPL trong lĩnh vực quốc phòng. Đơn cử như:
- Nghị định 63/2002/NĐ-CP về khám bệnh, chữa bệnh cho thân nhân sĩ quan tại ngũ;
- Nghị định 18/2007/NĐ-CP về quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Việt Nam;
- Nghị định 38/2007/NĐ-CP về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ;
- Nghị định 114/2011/NĐ-CP về mẫu biểu trong xử phạt vi phạm hành chính của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển.
Nghị định 129/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/11/2018.
4. Không xét xử lưu động vụ án có bị cáo là người dưới 18 tuổi
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 02/2018/TT-TANDTC về xét xử vụ án hình sự (VAHS) có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Theo đó, khi xét xử VAHS tại Phòng xét xử thân thiện, Tòa án phải thực hiện các quy định sau:
- Phòng xử phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi theo quy định;
- Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của TAND (không mặc áo choàng);
- Không xét xử lưu động đối với vụ án có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi (quy định này cũng được áp dụng đối với những vụ án xét xử tại Phòng xử án hình sự);
- Đối với vụ án có người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín...
Thông tư 02/2018/TT-TANDTC có hiệu lực từ ngày 01/12/2018.