1. 05 nhóm đối tượng phải chịu sự giám sát hải quan
Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định 05 nhóm đối tượng chịu sự giám sát hải quan bao gồm:
- Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 08 (đã được sửa đổi, bổ sung) này;
- Vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;
- Hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan; hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đang lưu giữ tại các cơ sở sản xuất của tổ chức, cá nhân;
- Hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành được đưa về bảo quản chờ thông quan;
- Hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan.
Nghị định 59/2018/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 05/6/2018.
2. Bố trí lắp camera cho Bộ phận Một cửa từ ngày 21/6
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Theo đó, tại Bộ phận Một cửa phải lắp đặt camera theo dõi toàn bộ khu vực làm việc; lắp đặt máy lấy số xếp hàng tự động; màn hình cảm ứng phục vụ tra cứu thông tin, thủ tục hành chính, bố trí đủ ghế ngồi chờ…
Bộ phận Một cửa cũng phải được bố trí ở vị trí thuận lợi, dễ tìm, diện tích phù hợp với số lượng giao dịch giải quyết tại bộ phận trong ngày.
Xem chi tiết tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày 21/6/2018).
3. Sửa quy định về quy trình kiểm duyệt báo cáo điện tử của TCTD
Đây là nội dung nổi bật của Thông tư 11/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều về quy định chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 01/10/2018.
Theo đó, quy trình về tra soát, xử lý, kiểm duyệt mẫu biểu báo cáo điện tử có một vài thay đổi như:
Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn gửi báo cáo thì các đơn vị nhận báo cáo kiểm tra tính hợp lý của báo cáo thuộc trách nhiệm theo dõi, tra soát, kiểm duyệt và tổng hợp;
Nếu báo cáo đảm bảo tính hợp lý, đơn vị nhận báo cáo thực hiện kiểm duyệt;
Nếu phát hiện sai sót, các đơn vị nhận báo cáo gửi kết quả tra soát số liệu báo cáo qua hệ thống báo cáo cho đơn vị gửi báo cáo để gửi lại số liệu đúng.
(Quy định hiện nay là xử lý ngay khi nhận được các mẫu biểu báo cáo điện tử).
4. Bộ tiêu chí đánh giá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Ngày 10/3/2018, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 03/2018/TT-BTP quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Theo đó, Thông tư quy định 02 đối tượng áp dụng Bộ tiêu chí là: Bộ, cơ quang ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ tiêu chí bao gồm 05 nhóm tiêu chí, cụ thể như sau:
- Nhóm tiêu chí thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật (tối đa 30 điểm).
- Nhóm tiêu chí triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (tối đa 20 điểm).
- Nhóm tiêu chí về các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (tối đa 20 điểm).
- Nhóm tiêu chí đánh giá hiệu quả tác động của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với xã hội (tối đa 20 điểm).
- Nhóm tiêu chí khác (tối đa 10 điểm).
Việc đánh giá, chấm điểm, xếp loại hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện định kỳ 02 năm một lần.
Thời điểm ấn định các thông tin, số liệu để đánh giá, chấm điểm, xếp loại là ngày 31 tháng 12 của năm thứ hai tính từ thời điểm đánh giá kỳ trước; mốc thời gian để tính kỳ đầu đánh giá là ngày 31/12/2018.
Thông tư 03/2018/TT-BTP có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2018.