1. Từ 01/12/2018: DN đóng 3% vào quỹ ốm đau, thai sản cho NLĐ nước ngoài
Chính phủ ban hành Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc cho NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Theo đó, hàng tháng NSDLĐ dựa trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ để đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ nước ngoài như sau:
- Từ ngày 01/12/2018:
+ 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;
+ 0,5% vào quỹ bảo hiểm TNLĐ và BNN;
- Từ ngày 01/01/2022: Đóng thêm 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Bên cạnh đó, từ ngày 01/01/2022, hàng tháng NLĐ nước ngoài phải đóng BHXH bắt buộc bằng 8% mức lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Nghị định 143/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2018.
2. Từ ngày 01/01/2019: NSDLĐ phải tự kiểm tra việc thực hiện PLLĐ
Vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH quy định về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp.
Theo đó, từ ngày 01/01/2019, NSDLĐ phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại cơ sở ít nhất 01 lần/năm nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến việc tuân thủ.
Nội dung tự kiểm tra bao gồm:
- Việc tuyển dụng và đào tạo lao động;
- Việc giao kết và thực hiện hợp đồng;
- Thời giờ làm việc và nghỉ ngơi;
- Việc trả lương cho NLĐ;
- Việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, BHTN, BHYT…
Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
3. Rút ngắn thời gian cấp GPKD vận tải đa phương thức quốc tế
Ngày 16/10/2018, Chính Phủ ban hành Nghị định 144/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định về vận tải đa phương thức.
Theo đó, thời gian cấp Giấy phép kinh doanh (GPKD) vận tải đa phương thức quốc tế cho doanh nghiệp, HTX, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam được rút ngắn như sau:
- Đối với thủ tục cấp lần đầu: 05 ngày làm việc (rút ngắn 02 ngày so với trước đây) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
- Đối với cấp lại: 03 ngày làm việc (rút ngắn 04 ngày so với trước đây), kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Nghị định 144/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 16/10/2018, bãi bỏ Chương 3 Nghị định 87/2009/NĐ-CP và Nghị định 89/2011/NĐ-CP ngày 10/10/2011.
4. Tổng cục Hải quan hướng dẫn xử lý vướng mắc về thuế XNK
Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 5914/TCHQ-TXNK giải đáp một số vướng mắc tại Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018. Đơn cử như sau:
Tại Khoản 27 Điều 1:
- Vướng mắc: Cách thức hoàn thuế nộp thừa đối với doanh nghiệp có số lượng tờ khai nợ lệ phí nhiều và phát sinh tại các Chi cục Hải quan khác nhau.
- Trả lời: Đối với phí phát sinh phải nộp tại nhiều Chi cục Hải quan thì lập riêng lệnh hoàn trả kiêm bù trừ.
Nếu doanh nghiệp có số lượng tờ khai nợ phí hải quan nhiều, đề nghị trên lệnh hoàn trả kiêm bù trừ ghi rõ: Số tờ khai 10 chữ số 9, ngày tờ khai là ngày lập lệnh hoàn trả kiêm bù trừ.
Tại Khoản 42 Điều 1:
- Vướng mắc: Thông tư 39 chưa quy định chính sách thuế với trường hợp tiêu hủy phế liệu thu được trong quá trình sản xuất theo loại hình sản xuất xuất khẩu.
- Trả lời: Căn cứ theo Khoản 49 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC và Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 thì phế liệu, phế phẩm tiêu hủy không phải kê khai nộp thuế nhập khẩu, thuế GTGT.
Xem thêm tại Công văn 5914/TCHQ-TXNK ngày 09/10/2018.