1. Giảm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu
Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 1728/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng.
Theo đó, quy định các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:
- Lãi suất tái cấp vốn: từ 4,5%/năm giảm còn 4,0%/năm.
- Lãi suất tái chiết khấu: từ 3,0%/năm giảm còn 2,5%/năm.
- Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN Việt Nam đối với các ngân hàng: từ 5,5%/năm giảm còn 5,0%/năm.
Quyết định 1728/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/10/2020.
2. Quy trình liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký sử dụng hóa đơn
Chính phủ ban hành Nghị định 122/2020/NĐ-CP về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện (VPĐD), khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.
Theo đó, quy trình phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trong đăng ký sử dụng hóa đơn thực hiện được quy định như sau:
- Trường hợp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh chia sẻ thông tin đăng ký thành lập của doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD và thông tin đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp, chi nhánh cho cơ quan thuế.
- Cơ quan thuế chia sẻ thông tin về mã số doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD, phân cấp cơ quan thuế quản lý trực tiếp được tạo tự động bởi Hệ thống thông tin đăng ký thuế cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Trên cơ sở thông tin do cơ quan thuế phản hồi, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, VPĐD và Thông báo về cơ quan thuế quản lý cho doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD.
- Doanh nghiệp, chi nhánh có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về việc sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật.
Nghị định 122/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.
3. Hướng dẫn xếp lương giảng viên trường CĐSP công lập
Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT ban hành ngày 01/10/2020 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) công lập.
Theo đó, các chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004, cụ thể:
- Giảng viên CĐSP cao cấp (hạng I): áp dụng hệ số lương viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;
- Giảng viên CĐSP chính (hạng II): áp dụng hệ số lương viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
- Giảng viên CĐSP (hạng III): áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/11/2020.
4. 01 Luật chỉ ban hành tối đa 02 Nghị định hướng dẫn
Ngày 10/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 149/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2020.
Theo đó, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết luật theo hướng một luật chỉ ban hành tối đa 02 nghị định quy định chi tiết, trường hợp đặc thù báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…