1. Hướng dẫn về gia hạn nộp thuế TNDN, GTGT theo Nghị định 41/2020
Nội dung này được đề cập tại Công văn 5977/BTC-TCT ngày 20/5/2020 triển khai thực hiện Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất.
Theo đó, Bộ Tài chính lưu ý một số nội dung liên quan đến gia hạn nộp thuế TNDN và thuế GTGT tại Điều 3 Nghị định 41, đơn cử như:
- Số thuế TNDN còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019:
+ Không bao gồm số thuế TNDN tạm nộp theo quý quy định tại Khoản 6 Điều 4 Nghị định 91/2014/NĐ-CP và Điều 17 Thông tư 151/2014/TT-BTC ;
+ Tối đa bằng 20% tổng số thuế phải nộp cả năm theo quyết toán.
- Trường hợp doanh nghiệp có kỳ tính thuế TNDN theo năm tài chính không trùng năm dương lịch: thời hạn nộp thuế được gia hạn xác định phù hợp với kỳ tính thuế TNDN của doanh nghiệp;
- Đối với nhà thầu thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT, kho bạc nhà nước chưa thực hiện khấu trừ thuế GTGT (trong thời gian gia hạn) trên:
+ Số tiền thanh toán khối lượng các công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
+ Các khoản thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước cho các công trình xây dựng cơ bản của các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện chịu thuế GTGT.
2. Lộ trình áp dụng cửa khẩu XK, NK với hàng kinh doanh chuyển khẩu
Nội dung này được quy định tại Thông tư 09/2020/TT-BCT về lộ trình áp dụng cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất (TN-TX), kinh doanh chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan, theo đó:
Từ 00h00 ngày 01/01/2021, hàng hóa kinh doanh TN-TX, chuyển khẩu, nếu nhập khẩu hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền chỉ được thực hiện qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính được mở theo Nghị định 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014.
Quy định trên được áp dụng cho cả hàng hóa nước ngoài TN-TX gửi kho ngoại quan nếu được nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền.
Thông tư 09/2020/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 30/6/2020.
3. Doanh số thương mại điện tử B2C cần đạt 35 tỷ USD vào năm 2025
Đây là nội dung được nêu tại Quyết định 645/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực từ ngày 15/5/2020.
Theo đó, mục tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2025 về quy mô thị trường TMĐT như sau:
- Doanh số TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước;
- 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm.
Về ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp, các mục tiêu cần đạt được:
- 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến;
- 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT;
- 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động;
- 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng…
4. Những việc hiệu trưởng trường công lập phải công khai
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập (CSGD) có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
Theo đó, hiệu trưởng phải công khai để nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động biết, những việc đơn cử như:
- Kế hoạch năm học, học kỳ, tháng, tuần; kế hoạch, đề án, dự án, chiến lược định hướng phát triển của CSGD;
- Kinh phí hoạt động hằng năm, bao gồm các nguồn do NSNN cấp và các nguồn tài chính khác;
- Các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong CSGD đã được kết luận;
- Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong CSGD;…
Ngoài ra, hiệu trưởng còn phải công khai một số việc để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát, đánh giá CSGD theo quy định.