1. Chưa bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ 01/11/2020
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn, chứng từ có hiệu lực từ ngày 01/7/2022.
Theo đó, bãi bỏ khoản 2 và khoản 4 Điều 35 Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hoá đơn điện tử.
Cụ thể, điều khoản sau đây bị bãi bỏ:
- Việc thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định của Nghị định 119/2018 thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 01/11/2020.
- Kể từ ngày 01/11/2020, các Nghị định 51/2010/NĐ-CP , Nghị định 04/2014/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hết hiệu lực thi hành.
Như vậy, chưa bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế từ ngày 01/11/2020 mà ban hành một lộ trình mới.
Xem thêm: Lộ trình bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử tại Nghị định 123
2. Phạt đến 8 triệu đồng nếu hủy, tiêu huỷ hoá đơn quá thời hạn từ 11 ngày làm việc trở lên
Chính phủ ban hành Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.
Theo đó, phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng hành vi hủy, tiêu hủy hóa đơn quá thời hạn từ 11 ngày làm việc trở lên, kể từ ngày hết thời hạn phải hủy, tiêu hủy hóa đơn theo quy định.
Các hành vi vi phạm về hủy, tiêu hủy hoá đơn khác có cùng mức phạt tiền đơn cử như:
- Không hủy, không tiêu hủy hóa đơn theo quy định của pháp luật;
- Không hủy hóa đơn điện tử khi lập sai sót sau khi quá thời hạn cơ quan thuế thông báo cho người bán về việc kiểm tra sai, sót;
- Không hủy hóa đơn đặt in chưa phát hành nhưng không còn sử dụng theo quy định...
Lưu ý:
- Đây là mức phạt áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có cùng hành vi vi phạm mức phạt bằng ½ mức phạt đối với tổ chức.
- Người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.
Xem thêm: 72 vi phạm về hóa đơn và mức phạt từ ngày 05/12/2020
3. Tiêu chí khai thuế GTGT theo quý
Chính phủ ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.
Theo đó, khai thuế theo quý được áp dụng đối với:
- Người nộp thuế thuộc diện khai thuế GTGT theo tháng có tổng doanh thu bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống:
+ Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xác định là tổng doanh thu trên các tờ khai thuế GTGT của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch.
+ Trường hợp người nộp thuế thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thì doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bao gồm cả doanh thu của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.
- Người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh thì được chọn khai thuế GTGT theo quý.
Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng sẽ căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế GTGT theo kỳ tính thuế tháng hoặc quý.
4. Tăng mức phạt hành vi quá cảnh hàng hóa mà không có giấy phép theo quy định
Nghị định 128/2020/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Theo đó, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với tổ chức có một trong các hành vi vi phạm sau:
- Quá cảnh hàng hóa theo quy định phải có giấy phép mà không có giấy phép;
- Chuyển khẩu hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất, nhập khẩu; tạm ngừng xuất, nhập khẩu; hàng chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam mà không có giấy phép theo quy định.
(Hiện hành Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định mức phạt cho các hành vi trên là từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng).
Nghị định 128/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2020.