1. Hướng dẫn xử lý tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Ngày 20/12/2021, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 201 Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Trong đó, giải thích một số từ ngữ liên quan đến tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đơn cử như:
- Cho vay lãi nặng là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
- Thu lợi bất chính là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay.
Trường hợp cho vay, thu lợi bất chính là tài sản khác (không phải là tiền) thì phải được quy đổi thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
Bên cạnh đó, hướng dẫn xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự, cụ thể:
- Trường hợp cho vay lãi nặng đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự trong cả kỳ hạn vay.
- Trường hợp cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn.
- Trường hợp bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 24/12/2021.
2. Điều kiện với người nhập cảnh vào làm việc ngắn ngày tại Việt Nam
Ngày 24/12/2021, Bộ Y tế ban hành Công văn 10943/BYT-MT về Hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID 19 đối với người được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày).
Theo đó, người nhập cảnh vào làm việc ngắn ngày tại Việt Nam phải có:
- Kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh.
- Giấy chứng nhận bảo hiểm y tế quốc tế còn hiệu lực hoặc cam kết chi trả chi phí điều trị của đơn vị, tổ chức mời trong trường hợp người nhập cảnh bị mắc COVID-19.
- Trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 cần có các giấy tờ xác nhận theo quy định.
Đồng thời, về nguyên tắc chung, không phải cách ly y tế người nhập cảnh song phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt, không tiếp xúc với cộng đồng, đảm bảo an toàn cho người nhập cảnh ngắn ngày và những người tiếp xúc, không để lây nhiễm chéo trong quá trình làm việc và không lây nhiễm ra cộng đồng.
Trong trường hợp người nhập cảnh dự kiến làm việc, hoạt động tại nhiều địa phương, cần phải có kế hoạch, phương án di chuyển rõ ràng và được địa phương liên quan chấp thuận.
Người nhập cảnh ngắn ngày và người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày phải thực hiện đầy đủ quy định 5K, tự theo dõi sức khỏe, khi có một trong các biểu hiện: sốt, ho, đau rát họng hoặc khó thở thì thông báo cho cơ quan quản lý và y tế địa phương để xử lý theo quy định.
Công văn 10943/BYT-MT được ban hành ngày 24/12/2021.
3. Chỉ còn 02 trường hợp trì hoãn tiêm vắc xin COVID-19
Ngày 21/12/2021, Bộ Y tế có Quyết định 5785/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin Covid-19, trong đó có 02 trường hợp trì hoãn tiêm vắc xin COVID-19.
Cụ thể, 02 đối tượng trì hoãn tiêm vắc xin COVID-19 bao gồm:
- Đang mắc bệnh cấp tính.
- Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Như vậy, hiện hành không còn trì hoãn tiêm vắc xin đối với người có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Quyết định 5785/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày 20/12/2021 và thay thế Quyết định 4355/QĐ-BYT ngày 10/9/2021.
4. Hệ số lương của chức danh di sản viên
Nội dung này được quy định tại Thông tư 16/2021/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành di sản văn hóa.
Theo đó, các chức danh di sản viên được áp dụng Bảng 3 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004.
Cụ thể, chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng I được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A3, nhóm 2 (A3.2), từ hệ số lương 5,75 đến hệ số lương 7,55;
Chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng II được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;
Chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng III được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
Chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng IV được áp dụng ngạch lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
Thông tư 16/2021/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 05/02/2022 và thay thế Thông tư liên tịch 09/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 11/12/2015.