Ngày 03/11/2023, Văn phòng Chính phủ có Công văn 8662/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất nghỉ Tết nguyên đán Giáp thìn kéo dài 07 ngày từ ngày 08/02/2024 đến hết ngày 14/02/2024, nghĩa là nghỉ từ thứ năm tuần trước đến hết thứ tư tuần sau đó.
Xét theo lịch Âm lịch là từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 05 tháng Giêng năm Giáp Thìn.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý phương án nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 31/8/2024 đến hết ngày 03/9/2024 (tổng cộng 4 ngày).
Giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp, người lao động về việc nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024.
Xem chi tiết tại Công văn 8662/VPCP-KGVX ngày 03/11/2023.
Ngày 01/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 179/NQ-CP về đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
Theo đó, trên cơ sở kết quả biểu quyết của các thành viên Chính phủ quyết nghị thông qua đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng như đề nghị của Bộ Tài chính tại Tờ trình 228 /BTC- CST.
Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Nghị quyết của Quốc hội theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.
Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 20 giờ ngày 01/11/2023 về việc bổ sung dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 và cho phép xây dựng dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp Quốc hội (kỳ họp thứ 6).
Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp theo quy định, bảo đảm tiến độ báo cáo các cơ quan của Quốc hội theo yêu cầu.
Nghị quyết 179/NQ-CP có hiệu lực ngày 01/11/2023.
Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Theo đó, quy định 22 nhóm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, đơn cử như:
- Hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm.
- Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng kiểm tra cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là thông tin, tài liệu, hồ sơ đang trong quá trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng hoặc thanh tra, kiểm toán.
- Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra.
- Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
- Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với đối tượng kiểm tra, người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác...
Xem chi tiết 22 nhóm hành vi tại Quy định 131-QĐ/TW có hiệu lưc thi hành từ ngày 27/10/2023.
Vừa qua, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy chế sử dụng Cộng tác viên Kiểm toán nhà nước kèm theo Quyết định 1348/QĐ-KTNN ngày 31/10/2023.
Theo đó, Kiểm toán nhà nước sử dụng cộng tác viên thực hiện các công việc (khi cần thiết) gồm:
(1) Tư vấn về chuyên môn:
- Tư vấn chuyên môn trong việc xây dựng chuẩn mực kiểm toán, quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; xây dựng chương trình, tài liệu hướng dẫn chuyên môn kiểm toán;
- Tư vấn trong công tác chuẩn bị kiểm toán: Thuyết trình về cơ chế, chính sách, chế độ quản lý và những bất cập, hạn chế trong thực tế liên quan đến nội dung kiểm toán; khảo sát, thu thập thông tin; xác định trọng tâm, trọng yếu, rủi ro kiểm toán, nội dung và phương pháp kiểm toán; xây dựng các tiêu chí kiểm toán,...;
- Tư vấn chuyên môn trong quá trình thực hiện kiểm toán, lập Báo cáo kiểm toán;
- Tư vấn chuyên môn trong quá trình kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, trả lời khiếu nại, giải quyết khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
(2) Tham gia hỗ trợ công tác kiểm toán:
- Nghiên cứu tài liệu, hồ sơ kỹ thuật, chuyên môn trợ giúp cho công tác kiểm toán; dịch tài liệu kỹ thuật, chuyên môn; thực hiện một số công việc thuộc nội dung kiểm toán; sử dụng chuyên gia để trợ giúp kiểm toán viên nhà nước theo quy định của chuẩn mực Kiểm toán nhà nước về việc sử dụng chuyên gia.
- Giám định chuyên môn:
+ Kiểm định chất lượng công trình xây dựng, máy móc, thiết bị;
+ Thẩm định giá cả và xuất xứ máy móc, thiết bị;
+ Giám định tài liệu chứng từ;
+ Kiểm kê;
+ Định giá tài sản, doanh nghiệp;
+ Đo đạc địa chính, địa hình, địa vật, diện tích, kích thước hình học;
+ Khoan thí nghiệm xác định địa chất các lớp đất đá;
+ Siêu âm để xác định chiều dài cọc khoan nhồi, cốt thép, chiều dày bảo vệ cốt thép trong các kết cấu; kiểm tra các kết cấu chìm khuất;
+ Kiểm định chất lượng môi trường, quan trắc và phân tích thành phần môi trường;
+ Các trường hợp khác cần sử dụng chuyên gia giám định chuyên môn theo quy định của chuẩn mực Kiểm toán nhà nước.
Quyết định 1348/QĐ-KTNN có hiệu lực từ ngày 31/10/2023.