Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 08 luật và 03 Nghị quyết, cụ thể như sau:
- Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, thay thế Luật Đấu thầu 2013;
- Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, thay thế Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010;
- Luật Hợp tác xã 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, trừ khoản 3 và khoản 4 Điều 115 Luật Hợp tác xã 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023, thay thế Luật Hợp tác xã 2012;
- Luật Giá 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, trừ khoản 2 Điều 60 Luật Giá 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026, thay thế Luật Giá 2012;
- Luật Phòng thủ dân sự 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024;
- Luật Công an nhân dân sửa đổi 2023 có hiệu lực từ ngày 15/8/2023;
- Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2023 có hiệu lực từ ngày 15/8/2023;
- Luật Giao dịch điện tử 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, thay thế Luật Giao dịch điện tử 2005;
- Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 có hiệu lực từ ngày 19/7/2023.
- Nghị quyết 94/2023/QH15 về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” có hiệu lực từ ngày 22/6/2023.
- Nghị quyết 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023.
06 hành vi chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ là nội dung được đề cập tại Quy định 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành.
Theo đó, các hành vi được xem chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ bao gồm:
(1) Trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
(2) Tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi.
(3) Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm... nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.
(4) Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
(5) Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu, đề cử, chỉ định bản thân.
(6) Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để đặt ra yêu cầu vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Xem thêm nội dung tại Quy định 114-QĐ/TW có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quy định 205-QĐ/TW năm 2019.
Chính phủ ban hành Nghị định 48/2023/NĐ-CP ngày 17/7/2023 sửa đổi Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính thì đánh giá, xếp loại chất lượng như sau:
(i) Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp quy định tại (ii).
(ii) Trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá thì quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.
(iii) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.
Nghị định 48/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2023.
Ngày 15/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023 cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định
Hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Thời gian trình Chính phủ: Trong tháng 7 năm 2023
Ngoài ra, Chính phủ còn yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa nhưng không ảnh hưởng đến an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia gắn với sử dụng vốn có hiệu quả.
- Khẩn trương vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 7 năm 2023; theo dõi chặt chẽ tình hình đáo hạn, việc trả nợ, đàm phán gia hạn thời gian trả nợ của từng doanh nghiệp, có giải pháp kịp thời, phù hợp; tăng cường thông tin, truyền thông kịp thời để giữ vững tâm lý thị trường, nhà đầu tư.
Xem thêm nội dung tại Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023.