Ngày 30/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
- Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 về:
+ Cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
+ Cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;
+ Áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh;
+ Quản lý thiết bị y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
+ Huy động, điều động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp;
+ Điều kiện bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;
+ Hướng dẫn các quy định về lộ trình thực hiện; quy định chuyển tiếp liên quan đến giấy phép hành nghề và giấy phép hoạt động.
- Nghị định 96/2023/NĐ-CP không áp dụng đối với một số hoạt động liên quan đến người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, bao gồm:
+ Việc thực hành, hướng dẫn thực hành khám bệnh, chữa bệnh, cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề đối với người hành nghề;
+ Các trường hợp, điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và mẫu giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
+ Việc đánh giá và chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
+ Việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định của pháp luật về tự chủ.
Nghị định 96/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
Ngày 10/01/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Theo đó, điều kiện công trình điện được chuyển giao sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam được quy định như sau:
- Công trình điện quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 1 Nghị định 02/2024/NĐ-CP được chuyển giao sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo quy định tại Chương II Nghị định này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
+ Phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh tại thời điểm xây dựng hoặc tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao (đối với công trình điện quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều 3 Nghị định 02/2024/NĐ-CP);
+ Đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao;
+ Công trình điện đang vận hành (đang được sử dụng để phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) bình thường tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao;
+ Công trình điện không trong tình trạng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hoặc bảo đảm bất kỳ nghĩa vụ nợ nào khác.
Đối với công trình điện quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định này đáp ứng quy định tại điểm a, điểm d khoản này mà không đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b, điểm c khoản này nhưng đơn vị điện lực xác định có thể thực hiện cải tạo, sửa chữa để tiếp tục vận hành thì được xác định đủ điều kiện chuyển giao.
- Công trình điện quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị định này được chuyển giao sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo quy định tại Chương III Nghị định này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và phải có khả năng cấp điện hoặc phát triển cấp điện cho các tổ chức, hộ dân tại địa phương.
- Công trình điện quy định tại điểm e khoản 2 Điều 1 Nghị định này phải đáp ứng các điều kiện chuyển giao theo quy định tại Nghị định 35/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Nghị định 02/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2024.
Ngày 11/01/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 38/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030 bao gồm:
- Phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm thực hiện tốt các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; từng bước mở rộng bền vững diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế toàn dân.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng tài chính các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo đúng quy định của pháp luật và nguyên tắc tập trung thống nhất, công khai, minh bạch, đảm bảo an toàn.
- Đầu tư các quỹ bảo hiểm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật bảo đảm an toàn, bền vững, hiệu quả.
- Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đảm bảo thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp tình hình thực tiễn.
- Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số. Nâng cao hiệu quả hoạt động trên nền tảng hiện đại, tích hợp, liên thông, xử lý tập trung, bảo đảm an toàn thông tin mạng; tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới nhằm phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; đồng thời góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ.
Xem chi tiết tại Quyết định 38/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 11/01/2024.
Ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng 2022 đối với ngành Giáo dục.
Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT này quy định chi tiết thi hành khoản 4 Điều 24, khoản 3 Điều 26, khoản 3 Điều 27, khoản 3 Điều 28, khoản 3 Điều 32, khoản 2 Điều 71, khoản 6 Điều 74, khoản 2 Điều 75, khoản 3 và khoản 4 Điều 76, khoản 6 Điều 84 của Luật Thi đua, khen thưởng 2022.
Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT áp dụng đối với tập thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Giáo dục; người học; tập thể, hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tập thể và người nước ngoài có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển giáo dục, đào tạo; tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục.
Xem chi tiết tại Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/02/2024 và thay thế Thông tư 21/2020/TT-BGDĐT ngày 31/7/2020.