8. Một số lưu ý khi vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội
Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội thì việc vay vốn ưu đãi khi mua nhà ở xã hội được quy định như sau:
- Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại NHCSXH với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay.
- NHCSXH hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định thực hiện việc cho vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở xã hội, bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật về nhà ở, về tín dụng và pháp luật có liên quan.
- Trường hợp hộ gia đình có nhiều đối tượng được hưởng nhiều chính sách vay vốn ưu đãi thì chỉ áp dụng một chính sách vay vốn cho cả hộ gia đình.
- Trường hợp một đối tượng được hưởng nhiều chính sách vay vốn ưu đãi hỗ trợ nhà ở thì chỉ được áp dụng một chính sách hỗ trợ mức cao nhất.
- Việc cho vay vốn ưu đãi phải bảo đảm đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Nghị định 100/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 và thay thế Nghị định 188/2013/NĐ-CP .
9. Chính sách ưu đãi khi cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
Theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, chính sách ưu đãi khi cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được quy định như sau:
- Đối với chủ sử dụng thuê căn hộ chung cư sở hữu nhà nước (chưa được chuyển thành sở hữu riêng) thuộc diện phải phá dỡ:
+ Được tiếp tục bố trí cho thuê căn hộ chung cư mới (sau khi cải tạo, xây dựng lại) có diện tích tương đương tại địa điểm nhà chung cư bị phá dỡ.
+ Được xem xét, giải quyết mua căn hộ mới.
+ Được xem xét, giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn nếu có nhu cầu.
- Đối với chủ sở hữu (CSH) căn hộ chung cư:
+ Nếu CSH có nhu cầu tái định cư tại chỗ mà 01 căn hộ chung cư cũ có từ 02 sổ hộ khẩu trở lên thì ngoài phần diện tích nhà ở mới được bố trí theo quy định, còn được ưu tiên mua thêm căn hộ tại cùng địa điểm theo giá kinh doanh thỏa thuận.
- Nếu CSH được bố trí căn hộ mới mà phải nộp thêm tiền chênh lệch diện tích thì được vay vốn để thanh toán khoản tiền này.
Nghị định 101/2015/NĐ-CP thay thế Nghị quyết 34/2007/NQ-CP .
10. Quy định mới về mẫu con dấu doanh nghiệp
Từ ngày 08/12/2015, Nghị định 96/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp (DN) 2014 có hiệu lực.
Theo đó, quyền quyết định số lượng, hình thức, nội dung, mẫu con dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu trừ trường hợp Điều lệ công ty (CT) có quy định khác thuộc về:
- Chủ DN tư nhân với DN tư nhân.
- Hội đồng thành viên (HĐTV) với CT hợp danh.
- HĐTV hoặc Chủ tịch CT với CT trách nhiệm hữu hạn.
- Hội đồng quản trị với CT cổ phần.
Nội dung Điều lệ hoặc Quyết định về con dấu DN phải bao gồm:
- Mẫu con dấu, gồm: Hình thức, kích cỡ, nội dung, mầu mực dấu.
- Số lượng con dấu.
- Quy định về quản lý, sử dụng con dấu.
Mẫu con dấu DN được thể hiện dưới một hình thức cụ thể (hình tròn, hình đa giác hoặc hình dạng khác).
Mỗi DN có một con dấu thống nhất về nội dung, hình thức, kích thước.
Mã số DN, tên DN trong nội dung mẫu con dấu thực hiện theo Điều 30 và Điều 38 Luật DN 2014.
DN có thể bổ sung thêm ngôn ngữ, hình ảnh khác vào nội dung mẫu con dấu trừ trường hợp quy định tại Điều 14 Nghị định này.
Nghị định 96/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 102/2010/NĐ-CP .
11. Chế độ đối với sĩ quan Công an nhân dân xuất ngũ
Từ ngày 06/12/2015, Nghị định 103/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Công an nhân dân 2014 có hiệu lực.
Theo đó, chế độ trợ cấp xuất ngũ một lần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan thôi phục vụ trong Công an nhân dân (CAND) không đủ điều kiện nghỉ hưu hoặc không chuyển ngành được quy định như sau:
- Cứ mỗi năm công tác được tính bằng một tháng tiền lương hiện hưởng và phụ cấp (nếu có) và trợ cấp một lần của thời gian tăng thêm do quy đổi (nếu có) quy định tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định này.
- Tiền lương tháng làm căn cứ tính hưởng trợ cấp xuất ngũ một lần bao gồm lương cấp bậc hàm, ngạch, bậc và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp thâm niên vượt khung hoặc hệ số bảo lưu (nếu có).
- Thời gian công tác để tính trợ cấp xuất ngũ một lần là thời gian công tác, học tập, làm việc có đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa được hưởng trợ cấp xuất ngũ, thôi việc theo quy định pháp luật.
Nghị định 103/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 43/2007/NĐ-CP .
12. Độ tuổi cử làm đại diện DN có trên 50% vốn nhà nước
Theo Nghị định 106/2015/NĐ-CP về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại DN mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, độ tuổi được cử làm đại diện được quy định như sau:
- Người đại diện được cử làm đại diện phải đủ tuổi (tính theo tháng) để công tác hết 01 nhiệm kỳ theo quy định của chức danh quản lý.
Quy định này không áp dụng đối với trường hợp do nhu cầu công tác mà người đại diện được CSH cho thôi làm đại diện để cử làm đại diện tại tập đoàn, tổng công ty, công ty khác cùng CSH.
- Sau 01 năm kể từ ngày CSH đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hoặc kể từ ngày quyết định kỷ luật, miễn nhiệm có hiệu lực thi hành nếu tiếp tục được xem xét cử làm người đại diện thì ngoài việc đáp ứng điều kiện về độ tuổi, phải đáp ứng đầy đủ điều kiện khác của người đại diện.
Thời hạn làm đại diện được xác định theo nhiệm kỳ của chức danh quản lý đang giữ của người đại diện.
Nghị định 106/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 và bãi bỏ Nghị định 66/2011/NĐ-CP .
13. Chế độ đối với Cảnh sát môi trường
Từ ngày 05/12/2015, Nghị định 105/2015/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Cảnh sát môi trường có hiệu lực.
Theo đó, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát môi trường được quy định như sau:
- Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường được hưởng chế độ, chính sách và phụ cấp độc hại theo quy định pháp luật.
- Cảnh sát môi trường được đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, phương tiện, thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
- Kinh phí hoạt động của Cảnh sát môi trường được đảm bảo bởi Ngân sách nhà nước; nguồn kinh phí chi sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm; tài trợ, đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Nội dung chi đảm bảo cho hoạt động của Cảnh sát môi trường thực hiện theo các chế độ quy định hiện hành về lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Nghị định 105/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 72/2010/NĐ-CP .
14. Chế độ báo cáo giám sát tài chính với DN có vốn Nhà nước
Theo Nghị định 87/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2015, chế độ báo cáo giám sát tài chính đối với DN có vốn Nhà nước (NN) được quy định như sau:
- Đối với DN do NN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ:
Định kỳ 06 tháng và hằng năm, Người đại diện vốn NN tại DN lập báo cáo giám sát tài chính theo các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 33 Nghị định này.
Đồng thời, gửi cơ quan đại diện CSH và cơ quan tài chính cùng cấp. Cụ thể:
+ Bộ Tài chính đối với DN cổ phần hóa, chuyển đổi từ tập đoàn kinh tế, tổng công ty NN, DN cổ phần hóa, chuyển đổi thuộc Bộ.
+ Sở Tài chính đối với DN cổ phần hóa, chuyển đổi từ DN thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Đối với DN do NN nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ:
Định kỳ hằng năm, Người đại diện lập báo cáo giám sát tài chính theo các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 33 và gửi cơ quan đại diện CSH.
Thời hạn gửi báo cáo giám sát này thực hiện theo quy định của cơ quan đại diện CSH.
Nghị định 87/2015/NĐ-CP áp dụng cho năm tài chính 2016 trở đi, thay thế Nghị định 61//2013/NĐ-CP .