1. Hướng dẫn mới về bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp
Nghị định 37/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/07/2016) hướng dẫn một số nội dung của Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 về bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp bắt buộc như sau:
- Người đang hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp điều trị xong, ra viện trước 01/7/2016 thì vẫn thực hiện theo quy định của Luật BHXH 2014 và các quy định trước 01/01/2016.
- Thời gian đóng BHXH từ ngày 30/6/2016 trở về trước được tính là thời gian tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Nghị định này, trừ đối tượng chỉ tham gia vào quỹ hưu trí và tử tuất.
- Từ ngày 01/01/2018, sẽ áp dụng cho cả người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.
2. Mức thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) áp dụng từ ngày 01/5/2016
Công văn 2046/BHXH-CSYT (ngày 06/6/2016) hướng dẫn áp dụng mức lương cơ sở theo Nghị định 47/2016/NĐ-CP trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT như sau:
- Người có thẻ BHYT khám, chữa bệnh đúng quy định sẽ không phải thực hiện cùng chi trả nếu tổng chi phí thấp hơn 181.500 đồng/lần (tương đương 15% mức lương cơ sở).
- Mức chi trả tối đa cho một lần sử dụng dịch vụ cao, chi phí lớn của một số đối tượng theo quy định là 48.400.000 đồng (tương đương 40 tháng lương tối thiểu).
- Mức cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở là 7.260.000 đồng.
Các quy định trên được thực hiện từ 01/5/2016.
3. Lãi suất vay mua nhà ở xã hội chỉ còn 0,4% tháng
Lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua nhà ở xã hội từ ngày 06/6 - 31/12/2016 là 4,8%/năm (0,4%/tháng) và lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Đây là nội dung được đề cập tại Quyết định 1013/QĐ-TTg ngày 06/6/2016 về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách Xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
4. Đảm bảo giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp
Đây là nội dung được đề cập tại Khoản 3 Mục II Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định 1239/QĐ-BTC ngày 31/5/2016.
5. Tết nguyên đán 2017: học sinh được nghỉ ít nhất 07 ngày
Đây là một trong những nguyên tắc xây dựng Kế hoạch thời gian năm học (KHTGNH) 2016 - 2017 ở các địa phương được quy định tại Quyết định 1893/QĐ-BGDĐT ban hành ngày 03/6/2016.
Sau đây là các nguyên tắc xây dựng KHTGNH 2016 - 2017 ở các địa phương:
- Đảm bảo số tuần thực học: mầm non và tiểu học ít nhất 35 tuần; trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) ít nhất 37 tuần; giáo dục thường xuyên (THCS và THPT) ít nhất 32 tuần.
- Phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, tập quán địa phương.
- Ngày nghỉ lễ, tết thực hiện theo quy định Bộ Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn.
- Nghỉ Tết nguyên đán ít nhất 7 ngày.
- Nghỉ hè thay cho nghỉ phép năm của giáo viên là 2 tháng, có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và KHTGNH của địa phương.
- Khuyến khích xây dựng và áp dụng KHTGNH đồng bộ cho các cấp học trong trường phổ thông có nhiều cấp học, các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt là đối với cấp tiểu học và cấp THCS.