Theo đó, tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải có đủ điều kiện và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
Ngoài ra, nhiều Luật nổi bật khác cũng bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016 này, như:
1. Tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự
Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Bộ luật quy định tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định.
Tập quán được áp dụng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Ngoài ra, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 còn nhiều quy định nổi bật khác như: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng; TAND cấp cao giám đốc việc xét xử TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện,…
2. Trưng cầu ý dân những vấn đề quan trọng của đất nước
Theo Luật Trưng cầu ý dân 2015, trừ khi bị kết án tử hình, phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, tính đến ngày trưng cầu ý dân, công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bỏ phiếu biểu quyết các vấn đề:
- Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp.
- Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia.
- Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước.
- Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Trình tự, thủ tục quyết định và tổ chức trưng cầu ý dân được quy định chi tiết tại Luật Trưng cầu ý dân 2015.
3. Quy định việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội
Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 quy định Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:
- Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước.
- Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.
- Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Trình tự, thời hạn, thời điểm, quy trình lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện theo quy định của Luật này và nghị quyết của Quốc hội.
4. Tổ chức, cá nhân được sử dụng TTTK đã được công bố
Đây là một trong các quyền của tổ chức, cá nhân trong sử dụng số liệu thống kê (SLTK), thông tin thống kê (TTTK) nhà nước được quy định tại Luật thống kê 2015.
Ngoài quyền này, tổ chức, cá nhân còn có quyền khác như:
- Bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng TTTK đã được công bố.
- Tham gia ý kiến với cơ quan thống kê về chất lượng SLTK.
- Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc sử dụng SLTK, TTTK.
Kèm theo quyền, Luật thống kê 2015 quy định tổ chức, cá nhân có trách nhiệm:
- Trích dẫn, sử dụng TTTK đã được công bố trung thực, ghi rõ nguồn.
- Phối hợp với cơ quan thống kê trung ương trong kiểm tra việc sử dụng SLTK, TTTK đã được công bố theo định kỳ hoặc đột xuất.