1. Sửa quy định về tiêu chuẩn với trưởng dồn đường sắt
Thông tư 07/2020/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 33/2018/TT-BGTVT về tiêu chuẩn của nhân viên đường sắt; trong đó quy định về tiêu chuẩn của trưởng dồn kể từ 01/5/2020 như sau:
- Có bằng, chứng chỉ chuyên môn về điều hành chạy tàu hỏa hoặc vận tải đường sắt.
- Có đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Có thời gian đảm nhận trực tiếp công việc của cả hai chức danh gác ghi, ghép nối đầu máy, toa xe, trong đó mỗi chức danh có thời gian làm việc ở ga, trạm chỉnh bị đầu máy, toa xe ít nhất là 02 tháng (hiện hành yêu cầu mỗi chức danh làm việc tại ga ít nhất 2 tháng).
- Đạt yêu cầu sát hạch về nghiệp vụ trưởng dồn do doanh nghiệp sử dụng chức danh trưởng dồn tổ chức.
Thông tư 07/2020/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/5/2020.
2. Dừng các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người/phòng
Ngày 27/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố triển khai 04 nội dung sau từ ngày 28/3/2020 đến hết 15/4/2020:
- Dừng các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người/phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện;…
- Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng;
- Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu;
- Hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ TP.Hà Nội, TP.HCM đến các nơi khác trên toàn quốc…
3. Hướng dẫn trả lương ngừng việc do ảnh hưởng của dịch
Ngày 25/3/2020, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Công văn 1064/LĐTBXH-QHLĐTL hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho NLĐ trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19.
- Việc trả lương ngừng việc căn cứ vào Điều 98 Bộ luật lao động 2012 (BLLĐ) để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của NSDLĐ hay NLĐ hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho NLĐ.
- Đối với NLĐ thuộc trường hợp sau đây thì tiền lương của NLĐ trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 BLLĐ (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng):
+ NLĐ là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại DN làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
+ NLĐ phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
+ NLĐ phải ngừng việc do DN hoặc bộ phận DN không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những NLĐ khác trong cùng DN, bộ phận DN đó đang trong thời gian cách ly hoặc chưa được quay trở lại DN làm việc.
- Đối với DN gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, NSDLĐ có thể tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ theo quy định tại Điều 31 BLLĐ:
Nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của DN thì NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ theo Điều 32 BLLĐ.
Nếu DN phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 BLLĐ.
4. Sửa đổi một số quy định tại Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP
Bộ Công Thương ban hành Thông tư 06/2020/TT-BCT sửa đổi Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Theo đó, bổ sung vào Điều 29 De Minimis hàng dệt may như sau:
- Khái niệm “xe toàn bộ” (wholly formed) tại khoản 3 có nghĩa là toàn bộ quá trình sản xuất và công đoạn hoàn thiện, bắt đầu từ ép đùn sợi filament, dải, màng hoặc tấm, và bao gồm cả kéo căng sợi filament hoặc cắt màng hoặc tấm thành dải, hoặc công đoạn kéo các loại xơ thành sợi, hoặc cả hai, và cuối cùng thu được sợi thành phẩm (a finished yarn) hoặc sợi chập (plied yarn).
- Quy định tại khoản 3 Điều 29 không áp dụng đối với các nguyên liệu được liệt kê tại Phụ lục VIII (Danh mục nguồn cung thiếu hụt).”
Thông tư 06/2020/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 08/5/2020.